Đồng Tháp nhiều giải pháp nâng chất lượng giáo dục

Cập nhật ngày: 15/08/2018 09:44:39

ĐTO - Chuẩn bị năm học mới 2018 - 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Đồng Tháp đã chỉ đạo các Phòng GD&ĐT trong tỉnh triển khai nhiều giải pháp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục (GD) trên địa bàn. Báo Đồng Tháp có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Liêm – Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp về vấn đề này.


Dạy tiếng Anh tại Trường Tiểu học Chu Văn An, phường 1, TP. Cao Lãnh (ảnh tư liệu). Ảnh. T.NG

PV: Thực hiện mục tiêu của Bộ GD&ĐT về đổi mới căn bản và toàn diện nền GD Việt Nam, xin ông cho biết năm học 2018 – 2019 có gì đổi mới so với năm học trước.

Ông Trần Thanh Liêm: Năm học 2018-2019, toàn ngành GD, trong đó có GD Đồng Tháp tiếp tục triển khai thực hiện 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp lớn của ngành.

Các nhiệm vụ: Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD trong tỉnh; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý GD các cấp; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ việc thực hiện chương trình GD phổ thông hiện hành; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý; đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở GDĐT; tăng cường hội nhập quốc tế trong GD; tăng cường cơ sở vật chất (CSVC) đảm bảo chất lượng GDĐT; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Các giải pháp: Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý GD các cấp; tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GDĐT trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng GD; đẩy mạnh công tác truyền thông về GDĐT.

Riêng đối với Đồng Tháp, bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chung của ngành, ngành GD tỉnh sẽ tập trung: Chuẩn bị các điều kiện đảm bảo cho việc triển khai đổi mới chương trình GD phổ thông từ năm học 2019-2020 (CSVC, trang thiết bị, đội ngũ nhà giáo...); rà soát, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu của Đề án nâng cao chất lượng GD tỉnh giai đoạn 2016-2020; tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp đổi mới quản lý đã thực hiện tốt trong các năm học trước: Giáo viên không trực tiếp thu các khoản đóng góp theo quy định từ học sinh (HS) và cha mẹ các em, tiến tới việc HS và cha mẹ nộp các khoản thu này qua ngân hàng; tăng cường giao quyền tự chủ cho Thủ trưởng các cơ sở GD; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác thanh tra, kiểm tra, thi đua khen thưởng...

PV: Xin ông cho biết những giải pháp quy hoạch, phát triển mạng lưới trường, lớp trên địa bàn tỉnh?

Ông Trần Thanh Liêm: Những năm qua, mạng lưới trường, lớp học các cấp từng bước được sắp xếp lại theo quy hoạch đảm bảo phù hợp về lịch sử, địa lý và dân cư, phù hợp với quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 698 cơ sở GD: 194 cơ sở GD Mầm non (185 cơ sở công lập, 9 cơ sở tư thục và dân lập); 317 trường Tiểu học; 141 trường THCS; 43 trường THPT; 2 cơ sở GD thường xuyên và Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh.

Tuy nhiên, mạng lưới trường, lớp học các cấp ở một số nơi chưa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là cấp học Mầm non và Tiểu học. Điểm lẻ các trường còn nhiều, tỷ lệ HS/lớp thấp, quy mô một số trường nhỏ, khoảng cách giữa các trường gần, mặc dù điều kiện giao thông đã thuận lợi. Điều này dẫn đến việc thừa thiếu cục bộ giáo viên, gây lãng phí trong bố trí sử dụng biên chế, CSVC phải đầu tư manh mún, HS học tại các điểm lẻ chưa được thụ hưởng điều kiện GD tốt nhất làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Trong thời gian tới, Sở GD&ĐT và các địa phương sẽ tiếp tục rà soát mạng lưới trường, lớp học các cấp, điều chỉnh sắp xếp giảm điểm lẻ, nhập các trường có quy mô nhỏ cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và thực hiện Chương trình hành động số 62-CTr/TU; Kế hoạch số 89/KH-UBND của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

PV: Trên cơ sở những tồn tại, hạn chế của năm học trước, ngành đã có những giải pháp gì để nâng cao chất lượng GD trong năm học mới?

Ông Trần Thanh Liêm: Các tồn tại, hạn chế trong năm học trước của ngành (chất lượng GD toàn diện còn khoảng cách giữa các địa bàn; chất lượng dạy học ngoại ngữ chưa cao; bộ máy, biên chế ở một số cơ sở GD công lập còn bất cập...) có nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Đồng thời, có hạn chế có thể giải quyết ngay, có hạn chế cần phải có thời gian. Ngành GD sẽ tổ chức đánh giá một cách nghiêm túc, nhìn thẳng vào sự thật để có biện pháp khắc phục các hạn chế, tồn tại.

Trong năm học 2018-2019, Sở GD&ĐT sẽ tập trung chỉ đạo khắc phục các hạn chế của năm học trước: Quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới nâng cao chất lượng GD bằng các biện pháp khả thi và phù hợp để thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng giữa các địa bàn.

Đối với dạy học ngoại ngữ, ngành tiếp tục triển khai Đề án 2020 trên địa bàn đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và phù hợp với thực tế địa phương; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ; tăng cường việc dạy học ngoại ngữ có sự tham gia của giáo viên người nước ngoài; đổi mới cách đánh giá chất lượng dạy học ngoại ngữ. Phối hợp với UBND các địa phương trong tỉnh rà soát, sắp xếp lại các trường có quy mô nhỏ để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý và giảm biên chế gián tiếp...

PV: Xin ông cho biết giải pháp của ngành trong công tác tuyển dụng, đào tạo đội ngũ giáo viên đáp ứng nhu cầu giảng dạy?

Ông Trần Thanh Liêm: Hiện nay toàn ngành có khoảng 30.000 nhà giáo, cán bộ quản lý GD. Số lượng đội ngũ như trên đảm bảo cơ bản cho việc dạy và học. 100% nhà giáo và cán bộ quản lý GD của tỉnh đã đạt và vượt chuẩn đào tạo, năng lực đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành.

Sở GD&ĐT và các huyện đã thực hiện xong việc rà soát, sắp xếp, điều động, biệt phái viên chức và đang tiến hành tuyển dụng cho các ngành học, môn học còn thiếu, tuy nhiên số lượng tuyển dụng nhìn chung sẽ không nhiều (thông tin về tuyển dụng được đăng trên Website của Sở và các Phòng GD&ĐT). Ngành GD phối hợp với Ban Tuyên giáo từ tỉnh đến huyện tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chính trị cho nhà giáo và cán bộ quản lý. Việc tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho nhà giáo đã và đang tiến hành theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

PV: Xin cảm ơn ông!

KIM NGÂN (thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn