Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và chính sách học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm

Cập nhật ngày: 31/05/2018 06:03:52

Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (GD) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH). Trong quá trình xây dựng 2 dự án Luật, một số nội dung được cử tri và nhân dân dành nhiều sự quan tâm, trong đó có chính sách học phí đối với học sinh (HS), sinh viên sư phạm (SVSP).


Sinh viên ngành sư phạm của Trường Đại học Đồng Tháp hưởng ứng tích cực hoạt động bồi dưỡng, phát triển kỹ năng đọc sách

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH đã sửa đổi, bổ sung 31/73 điều (42%); giữ nguyên 42 điều. Nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu tập trung vào việc thể chế hóa quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT của Đảng, mở rộng và nâng cao quyền tự chủ đại học (ĐH) và trách nhiệm giải trình, đổi mới quản trị ĐH, đổi mới quản lý đào tạo tiệm cận với chuẩn quốc tế, đổi mới quản lý nhà nước để thực hiện tự chủ ĐH nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, trong điều kiện phát triển và hội nhập; phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Luật GDĐH năm 2012.

Theo quy định hiện hành, HS, SVSP không phải đóng học phí. Tuy nhiên, chính sách này đã tồn tại một số hạn chế, bất cập như: sinh viên tốt nghiệp ra trường không làm việc trong ngành GD, dẫn đến chính sách hỗ trợ của Nhà nước không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực ngân sách.

Vì vậy, trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD đã quy định “HS, SVSP được vay tín dụng sư phạm (SP) để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học; được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, các chế độ miễn, giảm học phí và trợ cấp xã hội quy định. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành GD đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng SP”.

Vì yếu tố quyết định việc lựa chọn ngành nghề của HS hiện nay là chế độ đãi ngộ sau khi tốt nghiệp ra trường đi làm, nên việc thu hút HS giỏi bằng hình thức miễn học phí đã không còn nhiều tác dụng. Để thu hút được HS giỏi vào các trường SP cần thay đổi chính sách tiền lương của nhà giáo, không phải là duy trì chính sách miễn học phí SP.

Nhiều nhà quản lý GD thể hiện quan điểm đồng tình và ủng hộ phương án “thay miễn học phí các ngành đào tạo SP bằng tín dụng SP”. Bởi vì trong bối cảnh hiện nay và những năm tiếp theo, xu thế phát triển của xã hội ngày càng mang tính quốc tế hóa cao và luôn chú trọng đến tinh thần tự chủ của người lao động với vị thế của một công dân toàn cầu. Nếu người học thật sự yêu thích, có tâm huyết và khát vọng, quyết định lựa chọn nghề giáo, thì sự thay đổi này hoàn toàn không có “tác động, ảnh hưởng xấu”, có chăng đó như là một chất men xúc tác, góp phần củng cố thêm lòng quyết tâm của học viên, sinh viên đã một lòng lựa chọn gắn bó với nghề dạy học.

Ngoài ra, để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành GD trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch hệ thống các trường SP theo tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương và theo Luật Quy hoạch năm 2017; nghiên cứu đề xuất trong Đề án cải cách tiền lương của Chính phủ theo hướng lương của nhà giáo được xếp vào thang bảng lương riêng thuộc nhóm ưu tiên; xây dựng chuẩn nghề nghiệp giáo viên, giảng viên để làm căn cứ đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng và chính sách đãi ngộ nhà giáo, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Việc hoàn thiện khung pháp lý về GDĐH sẽ góp phần tạo ra sự đồng bộ, thống nhất với các văn bản pháp luật khác trong toàn hệ thống để huy động mọi nguồn lực phát triển GDĐH, nâng cao hiệu quả đầu tư của Nhà nước; đổi mới quản lý nhà nước, đổi mới quản trị ĐH, quản lý đào tạo tiệm cận các chuẩn quốc tế; tạo điều kiện cho các cơ sở GDĐH cạnh tranh bình đẳng, phát huy nội lực, linh hoạt, sáng tạo để nâng cao chất lượng GDĐH, hướng đến mục tiêu kiến tạo môi trường đào tạo ĐH mang tính kết nối và chia sẻ, năng động và sáng tạo.

DIỆU ANH (tổng hợp)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn