Giảng viên Trường Đại học Đồng Tháp đề xuất giải pháp hỗ trợ bà con nông dân ứng phó hạn mặn

Cập nhật ngày: 18/03/2020 14:51:26

Ứng dụng kiến thức chuyên môn vào các hoạt động phục vụ cộng đồng song hành với đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng đồng bằng sông Cửu Long luôn được Trường Đại học Đồng Tháp xem là một trong những nhiệm vụ ưu tiên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long trong suốt hành trình phát triển của nhà trường.


Sinh viên Trường Đại học Đồng Tháp đi thực tế để hỗ trợ bà con nông dân. 
(Ảnh: Khoa Kỹ thuật – Công nghệ)

Khi hạn mặn xuất hiện ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, cây trồng thiếu nguồn nước tưới tiêu nghiêm trọng, nhất là ở các tỉnh hạ nguồn sông Tiền và sông Hậu. Trước tình hình thực tế ảnh hưởng của hạn mặn đang ở mức báo động hiện nay, tiến sĩ Nguyễn Thị Phương, giảng viên Khoa Kỹ thuật - Công nghệ, Trường Đại học Đồng Tháp đã nghiên cứu và đề xuất giải pháp ứng dụng phương pháp thích nghi hạn mặn và giảm mất nước cho cây trồng trong mùa khô. Được biết, đây công trình nghiên cứu nằm trong chuỗi các hoạt động tìm ra giải pháp ứng phó với hạn mặn phục vụ cộng đồng của Đoàn Thanh niên - Hội sinh viên trường.

Phương pháp thích nghi hạn mặn và giảm mất nước cho cây trồng trong mùa khô theo nghiên cứu của tiến sĩ Nguyễn Thị Phương được áp dụng đối với cây lúa và cây ăn trái. Cụ thể đối với các bước tiến hành: Dùng vật liệu hữu cơ để che phủ mặt liếp hoặc mô cây để hạn chế mất nước (đối với cây ăn trái); bón phân hữu cơ kết hợp với bón phân hóa học cân đối NPK (16-16-16), đặc biệt tăng cường bón thêm phân K, phân bón có Si và phân bón có Ca tùy vào độ PH của đất; phun xịt với dung dịch Ethanol và Hydrogen peroxide theo liều lượng cụ thể; bón thêm chế phẩm vi sinh...; phun dung dịch lên lá cây trồng theo thứ tự ưu tiên về hiệu quả một trong các dung dịch như: 3% Calcium carbonate, 3% Kaolin, 3% Potassium sulphate, 3% Plastic film, 3% Mineral oil.

Ban chấp hành Đoàn Thanh niên – Hội sinh viên trường phối hợp với đội ngũ cán bộ giảng viên Khoa Kỹ thuật – Công nghệ giới thiệu phương pháp ứng dụng trên đến với người nông dân địa phương ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có sản xuất lúa và cây ăn trái. Bên cạnh đó, nhóm thực hiện chương trình đang phát triển và hoàn thiện ứng dụng công nghệ có tính năng nhận dạng bệnh trên cây trồng. Ứng dụng này với tính năng nhận biết, phân loại các loại bệnh, đưa ra các khuyến cáo cho người dùng, kết nối với nhà quản lí ứng dụng để có thể hỗ trợ bà con nông dân kịp thời ứng phó trước sự thay đổi thất thường của thời tiết hiện nay. Dự kiến chương trình sẽ được triển khai thí điểm đợt 1 ở các huyện Lai Vung, Châu Thành của tỉnh Đồng Tháp và huyện Chợ Lách của tỉnh Bến Tre.

Với những nỗ lực góp phần đáp ứng nhu cầu xã hội, phát triển kinh tế cho vùng, Khoa Kỹ thuật – Công nghệ của Trường Đại học Đồng Tháp đã và đang đào tạo ngành Nông học cùng với các ngành như: Khoa học môi trường, Nuôi trồng thủy sản, Quản lý đất đai... Đây là các ngành có tính ứng dụng cao tại địa phương nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉ lệ có việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp khá cao.

Trong thời gian qua, Trường Đại học Đồng Tháp đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; phát triển chương trình đào tạo và tài liệu giảng dạy; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo; đổi mới tổ chức quản lý đào tạo; đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập; tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường với các tổ chức, doanh nghiệp và nhà tuyển dụng trong công tác đào tạo... để hướng đến mục tiêu đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.

Song song đó, Trường Đại học Đồng Tháp đang thành lập các nhóm nghiên cứu khoa học và công nghệ chuyên sâu để triển khai các nghiên cứu mang tính ứng dụng, tổ chức các hoạt động thiết thực phục vụ cộng đồng, với nhiệm vụ trước mắt là góp phần hỗ trợ bà con nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long ứng phó, thích nghi với sự biến đổi bất thường của tự nhiên, vượt qua khó khăn tạm thời, ổn định sản xuất nông nghiệp.

THANH NGUYÊN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn