Kỳ thi năm 2018: Thí sinh dự thi tăng, chỉ tiêu sư phạm giảm mạnh
Cập nhật ngày: 27/04/2018 13:37:29
Kỳ thi THPT quốc gia 2018 sẽ được tổ chức từ ngày 24/6 – 27/6 tại tất cả tỉnh, thành; mỗi tỉnh có một cụm thi do Sở GD-ĐT địa phương chủ trì, phối hợp với các đại học, học viện, các trường ĐH-CĐ do Bộ GD-ĐT điều động.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng trả lời tại họp báo
Ngày 27/4, Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ 2018
Thí sinh dự thi tăng, bài KHXH được chọn nhiều hơn
Về số liệu đăng ký dự thi (ĐKDT) năm 2018, Bộ GD-ĐT cho biết, tổng số thí sinh ĐKDT năm 2018 là 925.964 thí sinh (năm 2017 866.006 thí sinh); trong đó học sinh đang học lớp 12 năm học 2017-2018 là 868.980 (năm 2017: 786.304); thí sinh tự do 56.984 (năm 2017: 33.0557); số thí sinh ĐKDT chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT: 237.354; số thí sinh ĐKDT để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển sinh: 642.587; số thí sinh ĐKDT chỉ để xét tuyển sinh: 46.023.
Như vậy, năm 2018 sẽ có 879.941 thí sinh dự thi để được xét công nhận tốt nghiệp THPT (năm 2017: 809.369 thí sinh) và số thí sinh sẽ tham gia xét tuyển sinh ĐH- CĐ là 688.610 (năm 2017: 640.471 thí sinh). Thí sinh dự thi và tham gia xét tuyển sinh đều tăng so với 2017.
Về tỷ lệ thí sinh chọn bài thi tổ hợp, thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy có 341.576 thí sinh đă ký bài thi khoa học tự nhiên (KHTN), chiếm 37% (năm 2017: 38%). 444.538 thí sinh đăng ký bài thi khoa học xã hội (KHXH), chiếm 48%. 36.016 thí sinh đăng ký cả 2 bài thi tổ hợp, chiếm 4%.
Số còn lại 11% trên tổng số thí sinh đăng ký dự thi các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp (số này là thí sinh tự do thi để xét tuyển ĐH-CĐ hoặc thí sinh tự do thi để xét công nhận tốt nghiệp có bảo lưu các môn thành phần của bài thi tổ hợp của năm 2017).
Như vậy, so với năm 2017, tỷ lệ thí sinh đăng ký chọn bài thi KHXH tăng hơn khoảng 5%.
Sau khi có kết quả của kỳ thi, các trường đại học và trường cao đẳng, trung cấp có nhóm ngành đào tạo giáo viên thực hiện công tác tuyển sinh ĐH- CĐ, trung cấp đến hết tháng 12/2018.
Chỉ tiêu sư phạm giảm mạnh: Không nằm ngoài tính toán
Về xét tuyển ĐH-CĐ 2018, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH là 455.174 chỉ tiêu, tăng 1,2% so với năm trước. Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy tổng chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi THPT là 344.275, tổng chỉ tiêu theo các phương thức khác là 110.899.
Riêng với ngành sư phạm, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho hay, tổng chỉ tiêu ngành sư phạm giảm rất mạnh, tới 38%.
Cụ thể, tổng chỉ tiêu vào các trường sư phạm là 35.590, số chỉ tiêu xét kết quả thi THPT quốc gia là 24.369 (giảm 22,8% so với năm ngoái) và các phương thức khác là 11.221 (giảm 55,3% so với năm 2018). Tổng số nguyện vọng sư phạm là 125.261, giảm 29% so với năm trước”, bà Phụng nói. Trong đó, tổng số nguyện vọng 1 sư phạm là 43.069, giảm 26,9%.
Lý giải về việc năm 2018 chỉ tiêu của sư phạm giảm khoảng 38%, tại cuộc họp báo, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, trước khi tính toán chỉ tiêu tuyển sinh, Bộ GD-ĐT đã có khảo sát về nhu cầu tuyển dụng và nhân lực giáo viên trong 5 năm theo cấp học và môn học.
Cụ thể năm 2018, Bộ tổng hợp và xác định con số cần tuyển để đáp ứng nhu cầu cho 63 tỉnh thành với con số 59.000 giáo viên. Bộ GD-ĐT cũng đã khảo sát cả số sinh viên thất nghiệp trong 2-3 năm qua cần bố trí việc làm trong thời gian tới cũng như số sinh viên sư phạm đi làm trái nghề có sẵn sàng quay lại nghề sư phạm..
Theo tính toán thì còn khoảng 40.000 sinh viên sư phạm chưa có việc làm (kể cả năm 2018-2019), trong đó 50% sẵn sàng quay lại sư phạm nếu có cơ hội, tức có khoảng 20.000.
Vì vậy, năm 2018 chỉ giao 30-35.000 chỉ tiêu sư phạm, phù hợp với nhu cầu sử dụng của 63 tỉnh thành và hút số sinh viên sư phạm ra trường sẵn sàng quay lại ngành sư phạm.
Trước lo lắng về việc giảm chỉ tiêu sư phạm có thể dẫn tới thiếu giáo viên trong những năm tới, bà Phụng cho biết, khi đưa ra chính sách sẽ tuyển sinh sư phạm năm 2018 (nâng chất lượng đầu vào, giảm chỉ tiêu..), Bộ GD-ĐT lo chỉ tiêu sư phạm sẽ giảm mạnh hơn.
“Nhưng đáng mừng là chỉ tiêu dù giảm tới 38% nhưng tổng số nguyện vọng vào sư phạm chỉ giảm 29%. Tính nguyện vọng trên tổng số chỉ tiêu thì số dư còn cao hơn cả năm trước. Như vậy, chỉ tiêu tuyển sư phạm không phải là điều đáng lo lắng. Tổng số nguyện vọng 1 vào sư phạm là 43.069, giảm 27%. Chúng tôi hy vọng đây sẽ là những em thực sự yêu nghề sư phạm, có học lực khá giỏi, sẽ trở thành đội ngũ giáo viên chất lượng cho tương lai”, bà Nguyễn Thị Kim Phụng chia sẻ.
Qua đó có thể thấy, ngay cả khi tăng chất lượng, giảm chỉ tiêu thì vẫn có nhiều thí sinh yêu thích ngành sư phạm. Đó là kết quả khả quan qua kỳ đăng ký xét tuyển năm nay.
“Cộng với ngưỡng đầu vào Bộ GD-ĐT vẫn nắm thì chất lượng đầu vào sẽ được bảo đảm (nếu xét tuyển sư phạm thì phải học lực giỏi mới được vào sư phạm) “, bà Phụng nói.
Bộ GD-ĐT đánh giá, tỷ lệ dôi dư của ngành sư phạm vẫn cao, vẫn bảo đảm nguồn tuyển chất lượng cho ngành sư phạm. Tuy nhiên, với việc giảm chỉ tiêu mạnh như vậy thì các trường sư phạm sẽ phải cơ cấu lại, đây là cơ hội để các trường đổi mới.
PHAN THẢO (SGGPO)