Lợi ích của Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học

Cập nhật ngày: 22/07/2016 12:59:20

ĐTO - Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP), giúp các trường thụ hưởng chương trình về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy; kinh phí bồi dưỡng giáo viên (GV), chất lượng giảng dạy; hỗ trợ chế độ ăn trưa cho học sinh (HS) nghèo để hạn chế tỉ lệ HS bỏ học; để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện HS.


Giờ ăn trưa tại trường

Đến thời điểm hiện tại, chương trình này đã xây dựng được 55 phòng học (trang bị 16 bộ bàn ghế, 1 bảng chống lóa/phòng), 6 phòng đa năng (70 bộ bàn ghế, 70 ghế rời và 2 bảng), 31 nhà vệ sinh, 4 trung tâm nguồn,... Toàn tỉnh có 60/68 điểm trường thuộc 40 trường của 8 huyện tham gia SEQAP tổ chức dạy học cả ngày cho HS theo các phương án T30, T35; có 25/40 trường đã triển khai dạy học cả ngày cho 100% lớp học tại trường. Học kỳ 1 năm học 2015-2016, có 16.928/19.911 HS tham gia học cả ngày tại 60/68 điểm trường thuộc 40 trường tiểu học tham gia SEQAP, với 682 lớp. Tổng số HS thuộc diện nghèo là 1.620 HS, trong đó HS được hưởng chế độ ăn nghỉ trưa tại trường bằng nguồn SEQAP là 4.592 HS. Đối với chương trình triển khai dạy học Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục trên tinh thần tự nguyện, hiện có 32 trường tham gia, đạt 80% với 132 lớp, 4.064 HS. Tất cả HS đều được nhà trường cho mượn 1 bộ tài liệu học tập. Đối với các lớp có HS học bán trú, việc tổ chức bữa ăn trưa cho HS dựa vào kinh phí hỗ trợ của chương trình, có sự vận động đóng góp linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của mỗi trường, đồng thời có sự quản lý của hiệu trưởng và GV.

Ngoài nguồn hỗ trợ từ chương trình của SEQAP, các trường đã huy động các nguồn hỗ trợ của cộng đồng như: tiền, gạo, rau quả... để tổ chức ăn trưa cho HS trong những ngày HS học cả ngày ở trường. Bằng nguồn kinh phí thường xuyên của nhà trường, Ban Đại diên cha mẹ HS, các nhà tài trợ, các trường tiểu học đã mua chăn, màn, chiếu cho các lớp để tổ chức cho HS nghỉ trưa. Qua bữa ăn, nhà trường giáo dục các em sự tương thân tương ái, tinh thần đoàn kết và sự thân thiện. Các trường đã dần hình thành một số kĩ năng sống cho HS, đồng thời đã phát huy vai trò của hội đồng tự quản HS thông qua việc tổ chức bữa ăn, nghỉ trưa tại trường. Thực hiện theo phương pháp mới với nhiều hoạt động giáo dục có hiệu quả trong thời gian buổi trưa như: GV hướng dẫn, cho HS xem các video clip về giáo dục dinh dưỡng, sức khỏe, ý thức và kĩ năng vệ sinh tay, chân, miệng trước và sau khi ăn hay sau khi ngủ dậy; tổ chức các hoạt động vận động nhẹ nhàng, kể hoặc cho HS xem video clip về giáo dục kĩ năng sống trong thời gian trước khi ngủ hoặc sau khi ngủ dậy, đọc truyện thiếu nhi. Hệ thống thư viện các trường mở cửa hoạt động thường xuyên trong suốt các ngày học trong tuần, tạo điều kiện cho HS tham gia đọc sách. Thư viện có lịch cụ thể cho từng lớp trong tuần đến thư viện mượn sách, truyện và đọc tại chỗ. Vào các ngày học cả ngày, nhân viên thư viện đều mở cửa để các em có điều kiện đọc sách trong giờ nghỉ trưa. Số lượng sách ở các trường khá phong phú, từ nguồn đầu tư của các cấp dành cho thư viện đạt chuẩn và nguồn hỗ trợ hàng năm của SEQAP. Toàn tỉnh có 28/40 trường tiểu học tham gia Chương trình SEQAP có thư viện đạt chuẩn Quốc gia. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để GV, HS tham gia đọc sách, nghiên cứu tài liệu, bổ sung kiến thức phục vụ và hỗ trợ cho hoạt động dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục.

Các trường đã thành lập được 113 câu lạc bộ (CLB) theo sở thích để tạo không khí vui chơi giải trí như: Toán học, Tiếng Anh, tiếng hát sơn ca, kể chuyện sách thư viện, bóng đá mi ni, cờ vua, mĩ thuật, âm nhạc, đàn organ, sáng tạo, môn Tin học,... Nhìn chung, các CLB thu hút được đông đảo HS tham gia sinh hoạt, qua đó rèn luyện thêm những năng lực, phẩm chất để phát triển toàn diện. Từ các CLB, trường chọn ra được các đội tuyển HS tham gia các phong trào do Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, đạt được kết quả tốt như: thi vẽ tranh cổ động, Olympic Tiếng Anh, Olympic Toán qua mạng...

Với những hiệu quả do Chương trình SEQAP mang lại, đã cải thiện chất lượng giảng dạy, học tập, tạo điều kiện cho HS tiếp cận với phương pháp, mô hình mới, phát triển kỹ năng.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn