Nâng cao năng lực giảng dạy cho đội ngũ giáo viên dạy nghề

Cập nhật ngày: 17/08/2012 07:04:44

Trên địa bàn tỉnh hiện có 580 cán bộ, nhân viên và giáo viên dạy nghề; trong đó có 393 giáo viên (giáo viên cơ hữu 260 người), số giáo viên thuộc cơ sở dạy nghề công lập chiếm 89,08%, 18 giáo viên có trình độ trên Đại học (chiếm 4,58%), 319 giáo viên có trình độ Đại học và Cao đẳng (chiếm 81,17%). Giáo viên dạy nghề đạt chuẩn hiện chiếm trên 80% so với tổng số giáo viên tham gia giảng dạy.


Giáo viên trường nghề hướng dẫn sinh viên thực hành

Trong năm 2011, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị trường tổ chức 2 khóa bồi dưỡng giáo viên dạy nghề cho tổng số 140 giáo viên. Trong 6 tháng đầu năm 2012, có 96 người được bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý và tư vấn chọn nghề, tìm việc làm cho lao động nông thôn. Ngoài ra, các trung tâm, trường nghề còn thỉnh giảng thêm một cán bộ kỹ thuật, nghệ nhân, người có tay nghề tham gia giảng dạy. Để tạo điều kiện cho giáo viên yên tâm giảng dạy, các trường dạy nghề, trung tâm dạy nghề các huyện thị bố trí nơi ở ổn định cho giáo viên đang công tác tại trường, hoặc giáo viên tham gia thỉnh giảng. Theo Ban giám hiệu Trường Trung cấp nghề Tháp Mười( huyện Tháp Mười) hiện tại tổng số giáo viên của trường chiếm 60%, còn lại là giáo viên thỉnh giảng.

Từ đầu năm 2012 đến nay, trường đã đưa 3 giáo viên tham gia tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn. Để chủ động được chương trình giảng dạy, trường đã có lộ trình đưa giáo viên tham gia tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn. Đội ngũ giáo viên ổn định, hỗ trợ cho các đơn vị trong việc xây dựng các chương trình đào tạo, tài liệu mới bổ sung vào bài giảng lý thuyết, thực hành. Từ năm 2011 đến nay, các đơn vị dạy nghề đã xây dựng chương trình đào tạo, giáo trình/tài liệu giảng dạy cho 47 nghề nằm trong danh mục nghề đào tạo của tỉnh ban hành.

Qua công tác đào tạo, bồi dưỡng sư phạm dạy nghề, kỹ năng dạy nghề, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ và giáo viên đã góp phần nâng số giáo viên được chuẩn hóa theo quy định và nâng cao công tác quản lý dạy nghề. Bên cạnh thuận lợi, các trung tâm, trường nghề vẫn còn một số khó khăn như đối với các nghề ngắn hạn (dưới 3 tháng) việc đào tạo kỹ năng dạy nghề cho giáo viên là rất khó (vì đa số các giáo viên này không hợp tác lâu dài với cơ sở dạy nghề). Biên chế giáo viên cơ hữu tại các trung tâm dạy nghề còn ít (từ 6 đến 8 biên chế), do đó chưa bố trí mỗi nghề có ít nhất 1 giáo viên cơ hữu, làm ảnh hưởng đến việc đa dạng hóa ngành nghề đào tạo.

C.P

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn