Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp
Cập nhật ngày: 26/10/2018 16:40:17
ĐTO - Trong công tác cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai, thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp, đáp ứng nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, Đề án nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Đồng Tháp, tập trung chuẩn bị triển khai, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông từ năm học 2019 – 2020 theo lộ trình của Chính phủ.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo mời chuyên gia tư vấn về công tác quản lý nhà trường theo hướng quản trị
Sở GD&ĐT đã tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý trường học cho 100% cán bộ quản lý; mời chuyên gia giáo dục trong, ngoài nước về báo cáo các chuyên đề liên quan đến công tác quản lý. Tư vấn sâu về hoạt động giáo dục trong cuộc cách mạng 4.0, năng lực quản lý nhà trường theo hướng quản trị...
Với vai trò quản lý chung, Sở GD&ĐT chủ động giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục. Khi được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đội ngũ cán bộ quản lý thực hiện kế hoạch giáo dục đi đôi với việc nâng cao năng lực quản trị nhà trường. Tập thể các đơn vị trường thực hiện dân chủ trường học gắn với nhiệm vụ người đứng đầu; kiện toàn Hội đồng trường đảm bảo điều kiện tốt nhất để Hội đồng thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định; thông tin về đảm bảo chất lượng được công khai theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT. Hoạt động phân cấp quản lý phát huy vai trò, năng lực, trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị trường trong công tác điều hành công tác chuyên môn, khắc phục tư duy theo lối mòn, ngại đổi mới, ngại sáng tạo, bố trí nhân sự chưa phù hợp dẫn đến ảnh hưởng chất lượng giảng dạy các bộ môn, đặc biệt là các môn thi tốt nghiệp THPT.
Chủ trương phân cấp quản lý, kết hợp đánh giá năng lực của Sở GD&ĐT đã tạo động lực cho cán bộ quản lý, giáo viên (GV) chủ động đổi mới phương pháp dạy, học, kiểm tra; tự bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ năng lực chuyên môn, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc. Đảm bảo chất lượng giáo dục mỗi năm học, các đơn vị trường, cán bộ quản lý thể hiện năng lực trong công tác lãnh đạo, điều hành cụ thể đối với từng môn học, từng cấp học, từng GV, học sinh (HS). Tại Trường THPT Tháp Mười, nhiều năm qua, cán bộ quản lý, GV, HS thực hiện văn bản quy định thi đua được xây dựng dựa trên các quy định của Nhà nước, Bộ GD&ĐT, tập thể nhà trường, có điều chỉnh bổ sung hàng năm và được lưu hành nội bộ. Nội dung cam kết trách nhiệm giữa Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn, vấn đề đánh giá, xếp loại, khen thưởng...
Thực tế tại các đơn vị trường, cán bộ quản lý nắm rõ năng lực giảng dạy GV, HS. Những GV dạy giỏi, có kinh nghiệm được bố trí dạy các lớp đầu cấp, cuối cấp. Các đơn vị trường rà soát kết quả học tập của HS. Những HS có học lực yếu, kém, trung bình sẽ được GV chủ nhiệm, GV bộ môn có kế hoạch bồi dưỡng, bổ sung kiến thức ngay từ đầu năm học qua các hình thức học tăng tiết, học ôn ngay trong trường. Đối với các em HS giỏi, Ban giám hiệu trường cùng GV có kế hoạch bồi dưỡng nâng cao để các em tự tin vào các trường đại học, cao đẳng theo nguyện vọng. Với hoạt động phân cấp quản lý, nhiều cá nhân, tập thể giữ vững thành tích tốt trong việc dạy, học. Các đơn vị trường hoạt động nề nếp, khen thưởng đúng thành tích, năng lực của GV, tạo động lực cho GV phấn đấu, yêu thích công việc, tận tâm với HS.
Sở GD&ĐT, các phòng chuyên môn duy trì ổn định các cuộc họp giao ban, họp trực tiếp, trực tuyến, định kỳ theo nội dung chương trình công tác. Các cuộc họp chuyên đề với các đơn vị trường về các vấn đề được phụ huynh HS quan tâm như: việc dạy thêm, học thêm, học ngoại ngữ, các khoản thu đầu năm học, xã hội hóa giáo dục... Ngoài công tác chuyên môn, nghiệp vụ, công tác bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ quản lý, GV được Sở GD&ĐT phối hợp với Ban Tuyên giáo, Trường Chính trị thực hiện mỗi năm.
Năm học 2018 – 2019, Sở GD&ĐT thực hiện chuẩn nghề nghiệp GV, chuẩn Hiệu trưởng mới theo quy định của Bộ GD&ĐT. Hiện nay, công tác quản lý, sắp xếp đội ngũ GV, cán bộ quản lý theo chuẩn đảm bảo chất lượng, hiệu quả công việc đang được thực hiện. Theo mục tiêu của Đề án nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh, các chương trình đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, thực hiện việc thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp GV các cấp sẽ được thực hiện. Đồng thời, Sở GD&ĐT xem xét các chính sách đối với đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, GV đang công tác tại vùng khó khăn có các đề xuất giải quyết những chế độ chính sách đối với những trường hợp này. Tham mưu UBND tỉnh đưa đi đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý đã được quy hoạch làm cán bộ chủ chốt, nòng cốt của Hội đồng bộ môn theo kế hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh.
C.Phương