Những người chủ tương lai đang nhìn và làm theo chúng ta
Cập nhật ngày: 16/04/2018 16:42:21
ĐTO - Sau kỳ thi THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng năm học 2017, dư luận cả nước tập trung lên tiếng về thực trạng ngành giáo dục, từ chất lượng đầu vào, quá trình đào tạo đến đầu ra của sinh viên; việc làm, thu nhập của giáo viên...
Mùa tuyển sinh năm 2018 đang đến, trong khi Bộ Giáo dục đã có một số quyết định cũng như kiến nghị Chính phủ giải pháp nâng cao chất lượng ngành sư phạm, cải thiện thu nhập của giáo viên... thì hàng loạt vụ việc xảy ra, từ Nam tới Bắc chỉ trong khoảng thời gian ngắn, trở thành tâm điểm của dư luận trên các phương tiện truyền thông trong nước với hàng trăm tin, bài, hàng ngàn bình luận. Trong khi đó, hàng trăm, hàng ngàn tấm gương thầy giáo, cô giáo - nhất là vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn - vẫn ngày đêm bám trường, bám lớp, không chỉ đưa kiến thức mà còn khơi gợi cả niềm tin và khát vọng cho thế hệ tương lai; hoặc như trường hợp 2 học sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Hưng Yên, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, thầy trò thiếu thốn cả về kiến thức, kinh nghiệm, tiền bạc, thiết bị nhưng đã vượt qua để đạt giải tư Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2017 - 2018 khu vực phía Bắc với đề tài “Chế tạo và nghiên cứu tính chất quang nhiệt của các đầu dò nano nhằm ứng dụng trong diệt tế bào ung thư”... rất ít được đề cập, quan tâm.
Những vụ việc xảy ra gần đây, dù là cá biệt nhưng đã được phân tích, bình luận dưới nhiều góc độ khác nhau, bởi nó đụng chạm đến vấn đề hệ trọng hơn rất nhiều, liên quan đến vận mệnh Quốc gia, dân tộc.
Điều dễ nhận thấy đầu tiên qua những vụ việc đó là vị thế của người thầy và nghề dạy học đã giảm sút trước sự nhìn nhận, đánh giá của một bộ phận cha mẹ học sinh và cả học sinh, thể hiện qua những hành vi như phụ huynh bắt giáo viên quì gối xin lỗi, học sinh bóp cổ cô giáo, đâm thầy giáo. Có nguyên nhân trong một thời gian dài chất lượng đào tạo giáo viên bị xem nhẹ, từ khâu thi tuyển, xét tuyển đầu vào đến việc làm sau khi ra trường, thu nhập khi đứng trên bục giảng. Nếu như buổi sáng, giáo viên ra chợ bán hàng, là “đồng nghiệp” với một số học sinh hoặc là quan hệ người bán - kẻ mua, buổi chiều đứng trên bục giảng thì quan hệ thầy - trò ít nhiều ảnh hưởng.
Vị thế bị giảm sút còn do một số giáo viên giảm sút phẩm chất đạo đức, lệch chuẩn về phong cách, ứng xử, như có hiệu trưởng nhận hàng trăm triệu đồng để “chạy” hợp đồng, biên chế, cắt xén lương giáo viên; bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng, bạo hành trẻ mầm non; đánh nhau vì không đi nhậu, bá vai cụng ly với học sinh phổ thông...
Chủ trương xã hội hóa trong xây dựng, trang bị trường lớp bị lạm dụng, biến tướng cũng góp phần kéo giảm vị thế của nhà trường.
Những vụ việc xảy ra còn cho thấy sự quan liêu của cơ quan quản lý nhà nước, cơ chế dân chủ trong nhà trường bị vô hiệu hóa, cùng sự vô cảm của một bộ phận giáo viên ở những nơi này.
Nếu gần gũi, sâu sát sẽ không có việc một huyện tuyển thừa hơn 500 giáo viên, có nhiều trường hợp không đạt chuẩn, đến khi bị phát hiện thì đưa ra giải pháp đơn giản: chấm dứt hợp đồng mà không quan tâm đến cuộc sống, thu nhập của hàng trăm giáo viên và gia đình họ sau đó sẽ như thế nào.
Trong trường học công lập có rất nhiều tổ chức: công đoàn, chi đoàn, tổ bộ môn, hội đồng trường, ban đại diện cha mẹ học sinh, phần lớn có chi bộ đảng, với chức năng, nhiệm vụ được qui định rõ ràng, cụ thể trong nhiều văn bản pháp luật. Tuy nhiên, quyền lực thực sự tập trung vào hiệu trưởng. Nếu dân chủ được phát huy, không vô cảm thì việc hiệu trưởng đề nghị tuyển dụng, phân công giáo viên, cắt xén lương giáo viên, giáo viên không nói chuyện với học sinh suốt 3 tháng đứng lớp, học sinh nhảy lầu tự tử vì áp lực điểm số... sẽ không xảy ra.
Tôn sư, trọng đạo đã trở thành truyền thống, đạo lý của dân tộc ta. Giáo dục được Đảng, Nhà nước và Nhân dân xác định là quốc sách hàng đầu. Để truyền thống, đạo lý, chủ trương đó thành hiện thực cần thông qua nhận thức và hành động cụ thể của từng người.
Cần xem trọng hơn nữa việc giáo dục đạo đức, phong cách, ứng xử cho giáo viên ngay từ khi còn là sinh viên. Không bao che những hành vi sai trái của giáo viên, đồng thời cần lên án mạnh mẽ, xử lý nghiêm khắc những hành vi sai trái đối với giáo viên.
Các cơ quan chức năng, hiệu trưởng không chỉ trang bị cơ sở vật chất, đào tạo giáo viên đạt chuẩn chuyên môn mà cần sâu sát hơn nữa với từng trường, từng giáo viên; dân chủ trong nhà trường cần được phát huy đúng thực chất, phát hiện, chấn chỉnh ngay từ khi manh nha những biểu hiện sai trái, lệch lạc về nhận thức, hành vi.
Và trên hết, trước hết là cải thiện vị thế nhà giáo, được thực hiện từ cả xã hội, gia đình, nhà trường và mỗi giáo viên; câu “Tất cả vì học sinh thân yêu” không còn là khẩu hiệu mà phải trở thành phương châm hành động, mục tiêu của nền giáo dục nước nhà.
Những vụ việc xấu xí, đau lòng trong ngành giáo dục thời gian qua suy cho cùng là trách nhiệm của tất cả mọi người, không thể để tái diễn. Học sinh, những người chủ tương lai của đất nước đang nhìn và làm theo chúng ta.
Hữu Ý