Nói không với thả bóng bay

Cập nhật ngày: 07/08/2019 10:10:01

ĐTO - Mấy ngày qua, bức thư đề nghị không thả bóng bay trong ngày khai giảng năm học được gửi tới nhiều vị hiệu trưởng của em Nguyễn Nguyệt Linh, đang chuẩn bị bước vào lớp 6 ở Hà Nội đã mang lại hiệu ứng tích cực trong việc chung tay bảo vệ môi trường.

Chúng ta thật sự quý trọng đề xuất có vấn đề của đứa bé vừa học xong lớp 5, nhưng khiến người lớn phải suy nghĩ, và cùng hành động để có một môi trường lành mạnh. Tất cả chúng ta hãy bắt đầu ngay vẫn còn kịp! Trong bức thư Nguyệt Linh trình bày suy nghĩ của mình: “Con biết là hằng năm khi bắt đầu khai giảng, nhà trường thường cho các lớp thả bóng bay lên trời. Sau những thông tin con tìm thấy được thì bóng bay được làm từ nilon tức là nhựa, và khi thả bóng bay các chú chim hay động vật khác nuốt vào, nó có thể bị chặn đường ruột và dẫn đến chết đói. Còn khi bóng bay rơi xuống đất hoặc biển thì những chú rùa biển và các sinh vật biển sẽ bị nhầm với sứa. Ruy băng và dây buộc bóng có thể khiến chúng mắc kẹt và dẫn tới cái chết”.

Rõ ràng, thông điệp của Nguyệt Linh khiến chúng ta phải suy nghĩ, cần chấm dứt ngay hành động: “Thả bóng bay lên trời: Bay cao ước mơ của các học sinh - giết ước mơ của bao chú chim và rùa biển”. Có lẽ, thói quen rất “tiện tay” này đã kéo dài mỗi khi khai giảng năm học, vậy nên hãy nói không với thả bóng bay!

Bức thư với những dòng tâm tư ngắn gọn, súc tích, nêu lên tác hại của việc thả bóng bay trong ngày khai giảng năm học dẫn đến nhiều tác hại cho môi trường đã nhanh chóng tạo ra dư luận xã hội, và lãnh đạo Bộ, ngành cầu thị tiếp thu. Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà có thư phản hồi: “Bác cũng biết rằng, việc không thả bóng bay kèm theo những ước mơ bay cao, bay xa trong những giờ phút thiêng liêng của ngày khai trường là con và các bạn đồng trang lứa đã từ bỏ niềm vui nhỏ của tuổi học trò để mở ra ước mơ ý nghĩa hơn. Đó là bảo vệ sự sống của mọi sinh vật trên hành tinh trước vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa”.

Trả lời phỏng vấn báo chí, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cũng thừa nhận rằng, bức thư là việc nên nhân rộng và khuyến khích. Bà Nghĩa mong muốn có nhiều hơn nữa những ý tưởng tốt về bảo vệ môi trường của các học sinh. Đồng thời đề nghị các nhà trường có những cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện địa phương để vừa tạo không khí hứng khởi của ngày khai giảng, vừa bảo vệ môi trường.

Ở Đất Sen hồng Đồng Tháp, ông Trần Thanh Liêm - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp đã viết kêu gọi toàn thể cán bộ quản lý, thầy cô giáo, các bậc cha mẹ học sinh và học sinh hãy cùng nhau chung tay bảo vệ môi trường. Trong thư tha thiết đề nghị học sinh, các cơ sở giáo dục dần dần hạn chế và tiến đến chấm dứt việc thả bóng bay trong ngày khai giảng, các ngày hội, lễ, Tết... để dần thay đổi thói quen và tiến đến không sử dụng sản phẩm từ nhựa, tăng cường các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Có thể thấy rằng, bảo vệ môi trường là hành động, việc làm của tất cả chúng ta chứ không phải một cá nhân riêng lẻ. Vậy nên, kể từ hôm nay, tất cả chúng ta hãy cùng hành động cụ thể, chung tay vì một môi trường sống trong lành, an toàn và phát triển bền vững.

Nguyệt Linh tuy tuổi còn nhỏ nhưng đã biết bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình về ý thức, trách nhiệm đối với việc bảo vệ môi trường thật đáng trân trọng! Như vậy, bức thư đã truyền cảm hứng, gợi ra nhận thức cho chúng ta về tác hại của rác thải nhựa, cho nên hãy nói không với thả bóng bay trong ngày khai giảng năm học hoặc trong dịp tổ chức các sự kiện khác!

DƯƠNG ÚT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn