Nữ Hiệu trưởng hết lòng với học sinh khuyết tật
Cập nhật ngày: 06/03/2018 07:15:36
ĐTO - Suốt 25 năm gắn bó với công tác nuôi dạy trẻ khuyết tật, cô Võ Thị Ngọc Ảnh (SN 1965) - Hiệu trưởng Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Đồng Tháp đã góp phần trang bị kiến thức, kỹ năng sống giúp nhiều thế hệ học sinh khuyết tật của trường tự tin, vươn lên hòa nhập cộng đồng và có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Cô Võ Thị Ngọc Ảnh trong 1 buổi lên lớp dạy
Cô Ảnh cho biết, trước đây, cô công tác ở Trường THPT Châu Thành 1 (huyện Châu Thành). Trong dịp tình cờ gặp và trò chuyện với cô giáo cũ hiện đang công tác ở Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh đã khiến cô Ảnh xúc động và suy nghĩ nhiều. Sau đó không lâu, cô Ảnh tự nguyện xin chuyển công tác về Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Đồng Tháp với mong muốn đóng góp phần nào trong việc giáo dục trẻ khuyết tật. Nhiều năm làm giáo viên trực tiếp đứng lớp giảng dạy, sau đó đảm nhận vai trò Hiệu trưởng Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật, cô Võ Thị Ngọc Ảnh đã vượt qua nhiều khó khăn, áp lực để gắn bó và cống hiến cho công tác giáo dục trẻ khuyết tật.
Là trẻ khuyết tật, nên các em học sinh của ngôi trường đặc biệt này có những hạn chế nhất định về khả năng trí tuệ, kém phát triển, khả năng tiếp thu kiến thức chậm... “Làm giáo viên bình thường đã vất vả, càng khó khăn hơn nhiều khi học sinh là trẻ khuyết tật. Vì vậy, dù căn cứ vào chương trình giảng dạy chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng giáo viên của trường phải tự điều chỉnh, chọn lọc kiến thức để xây dựng giáo án riêng và phương pháp dạy cho phù hợp với khả năng tiếp thu của từng em. Mỗi giáo viên công tác ở ngôi trường này không chỉ có tinh thần trách nhiệm mà còn cần rất nhiều sự hy sinh, tình thương và sự kiên nhẫn, thấu hiểu khi giảng dạy các em học sinh. Do đó, khi làm công tác quản lý, lãnh đạo ở trường, bản thân tôi luôn cố gắng tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ trong mọi hoạt động để cán bộ, giáo viên của trường công tác tốt hơn” - cô Ảnh trải lòng.
Với mong muốn nâng cao chất lượng giáo dục học sinh khuyết tật, nhiều năm qua, cô Ảnh không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, triển khai thực hiện nhiều giải pháp thiết thực nhằm bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên, nâng cao khả năng tiếp thu kiến thức cho học sinh trong học tập.
Một trong những sáng kiến cô Ảnh dành nhiều tâm huyết nhất là “Quản lý chỉ đạo thực hiện một số biện pháp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh khuyết tật” được áp dụng vào năm học 2016 - 2017 tại trường. Theo đó, nhiều phương pháp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh khuyết tật được áp dụng đồng bộ trên nhiều môn học như: Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên xã hội, các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa... đã mang lại hiệu quả cao, cải thiện rõ rệt khả năng tiếp thu kiến thức, trang bị kỹ năng sống, giúp các em học sinh tự lập hơn trong sinh hoạt và tiến bộ.
Bên cạnh đó, ngoài trang bị kiến thức cơ bản, nhà trường còn tổ chức các lớp dạy nghề thủ công như may, thêu, xỏ hạt... cho các em học sinh khuyết tật. Cô Ảnh còn phối hợp với giáo viên chủ nhiệm theo dõi sát sao quá trình học tập và sinh hoạt của các em học sinh trong trường để kịp thời điều chỉnh việc giảng dạy phù hợp. Đồng thời, cô Ảnh thường xuyên trao đổi với phụ huynh để có định hướng kịp thời, phù hợp cho tương lai các em sau khi ra trường, đặc biệt là những em có khả năng tiếp thu kiến thức tốt. Nhờ đó, nhiều học sinh sau khi hoàn thành chương trình học ở trường đều có khả năng hòa nhập tốt với xã hội, có việc làm phù hợp, tự lo được cho cuộc sống, nhiều em còn được gia đình tạo điều kiện cho học tập tiếp.
Tận tụy và dành nhiều tâm huyết với công tác giáo dục trẻ khuyết tật, cô Võ Thị Ngọc Ảnh được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” (năm 2017) và nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo (năm 2015). Nhiều năm liền, cô Ảnh cũng được UBND tỉnh tặng Bằng khen và ngành giáo dục các cấp biểu dương, khen thưởng. Cô Ảnh chia sẻ, điều hạnh phúc lớn nhất chính là nhìn thấy sự tiến bộ rõ rệt trong quá trình học tập, rèn luyện của các em học sinh và niềm vui của các bậc phụ huynh khi thấy con em mình trưởng thành hơn từng ngày. Đó chính là động lực lớn nhất để cô tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
NGÂN NGUYỄN