Tạo điều kiện cho học sinh trung học nghiên cứu khoa học kỹ thuật

Cập nhật ngày: 16/06/2014 05:26:41

Trước năm 2012, nhiều học sinh (HS) có những sáng tạo rất dễ thương như dùng dép nhựa, thanh gỗ chế tạo thành chiếc xe kéo, hay tái chế chiếc mô tơ xe ô tô cũ thành chiếc đèn pin, chong chóng... nhưng sự sáng tạo ấy chỉ gói gọn ở phạm vi cá nhân. Đến năm 2012, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có những quy chế riêng về nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho HS trung học, HS Đồng Tháp bắt đầu có sân chơi thực sự dành cho mình.


Giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn TP.HCM
hướng dẫn giáo viên, học sinh kỹ năng nghiên cứu khoa học

Năm học 2012-2013, Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp tỉnh lần đầu tiên được tổ chức với 38 sản phẩm đăng ký dự thi thuộc 7 lĩnh vực. Có 7 đơn vị dự thi gồm Trường THPT Chuyên Nguyễn Quang Diêu, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành, Cao Lãnh, Thanh Bình, Hồng Ngự, TP.Sa Đéc, TX.Hồng Ngự và chỉ có 8/38 sản phẩm đạt giải. Do chất lượng sản phẩm hạn chế nên chúng chỉ đạt giải Ba, khuyến khích, không có sản phẩm đạt giải Nhất, Nhì. Do vậy, Sở GD&ĐT không đưa sản phẩm dự thi cấp toàn quốc.

Nhận thấy tiềm năng của HS trung học trong việc nghiên cứu, sáng chế kỹ thuật, Sở GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương vào cuộc khơi dậy phong trào ở cấp cơ sở, mạnh dạn chọn lựa sản phẩm dự thi cấp tỉnh. Huyện Hồng Ngự, TX.Hồng Ngự rất quan tâm công tác này. Sản phẩm của các em HS sau khi sáng chế được đem đến trường dự thi và được góp ý kiến sửa chữa những điểm chưa hoàn thiện,... chuyển dự thi cấp tỉnh. Tiết kiệm kinh phí làm mô hình, nhà trường, giáo viên, các HS chọn những vật liệu rẻ tiền, dễ tìm...Nhờ vậy, sản phẩm làm ra ít tốn chi phí, hiệu quả sử dụng cao, dự thi cấp tỉnh có kết quả tốt.

Đối với cấp tỉnh, Sở GD&ĐT cũng bắt đầu hướng đến việc đầu tư bài bản cho cuộc thi. Năm 2013-2014, Sở GD&ĐT nhờ các chuyên gia đến từ Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng Cộng đồng, Sở Khoa học Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật thẩm định sản phẩm. Nhờ vậy, số sản phẩm dự thi tăng từ 38 lên 121 sản phẩm với 12 lĩnh vực, có 24 trường THPT, 12 đơn vị Phòng GD&ĐT tham gia. Kết quả có 43 sản phẩm đạt giải, trong đó có 6 sản phẩm đạt giải Nhất, Nhì, Ba được chọn dự thi cấp Quốc gia với kết quả: sản phẩm “Xe đẩy lấy rác” của em Trương Thị Uyển My - Trường THCS Nguyễn Văn Tiệp, huyện Tân Hồng đạt giải Nhì; sản phẩm “Tách chiết tinh dầu từ trái mù u” của em Trần Tiến Phát - Trường THPT Chuyên Nguyễn Quang Diêu đạt giải Nhì lĩnh vực và giải Ba; em Nguyễn Anh Nguyên - Trường THCS Mỹ Quý, huyện Tháp Mười đạt giải khuyến khích với sản phẩm “Cặp chống đuối với thiết bị báo tự động bằng âm thanh và ánh sáng”. Dù dự thi cấp quốc gia đạt các giải cao ngoài mong đợi, nhưng qua đó đã bộc lộ những hạn chế như bài thuyết trình vẫn chưa mang nội dung nghiên cứu khoa học, kỹ năng viết báo cáo, làm poster của HS còn yếu. Tháng 5/2014, Sở GD&ĐT cũng mời các chuyên gia hướng dẫn các giáo viên, HS kỹ năng để các em tự tin hơn khi đem các sản phẩm dự thi.

Ông Hồ Văn Thống - Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Cùng với việc học văn hóa, các em HS được tạo mọi điều kiện để nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật. Chúng tôi khuyến khích các em sáng tạo, có ý tưởng đột phá, gắn với thực tiễn cuộc sống. Những nghiên cứu, sáng kiến của các em sẽ được thẩm định, tạo điều kiện để hoàn thiện hơn. Bên cạnh HS, các giáo viên hướng dẫn, hỗ trợ các em cũng sẽ có những phần thưởng xứng đáng. Để đạt được kết quả cao, ngành giáo dục cần sự phối hợp của các ngành, hội đoàn thể trong việc hướng dẫn, đóng góp những sản phẩm của HS...”.

Năm 2015, Đồng Tháp sẽ đăng cai Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho HS nên ngoài nỗ lực của HS, giáo viên, cần có sự quan tâm, đôn đốc từ Ban Giám hiệu nhà trường, phụ huynh HS, các ngành liên quan.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn