Thủ tướng: Đáng lo ngại với biểu hiện sính bằng cấp

Cập nhật ngày: 06/08/2016 06:15:24

Sáng 5/8, phát biểu tại hội nghị của ngành giáo dục, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, việc đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ ở nước ta có những dấu hiệu đáng lo ngại do sính bằng cấp.

Sáng 5/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố, các sở GD&ĐT, trường đại học tham dự Hội nghị tổng kết năm học 2015 - 2016, triển khai nhiệm vụ năm học 2016 - 2017 ngành GD&ĐT.

Hướng đến thế hệ công dân toàn cầu

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng kỳ thi THPT quốc gia vừa diễn ra thành công.

Thủ tướng ghi nhận những thành tựu của ngành giáo dục trong quá trình 30 năm đổi mới. Từ một nước nghèo kém phát triển, Việt Nam trở thành nước đang phát triển. Trí tuệ người Việt được đánh giá cao qua nhiều cuộc thi quốc tế.

Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ cũng nêu những bất cập của giáo dục hiện tại. Trong đó, bậc phổ thông chưa coi trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống; các hiện tượng bạo lực học đường hay tội phạm vị thành niên là ví dụ.

Ngoài thiếu kỹ năng sống, nhìn chung, học sinh còn yếu ngoại ngữ. Số trường đại học tăng nhanh nhưng điều kiện chưa đáp ứng được yêu cầu.

Giáo dục nghề nghiệp (từ trung cấp chuyên nghiệp tới sau đại học) còn chưa gắn với nhu cầu xã hội. Sinh viên ra trường không tìm được việc làm, trong khi doanh nghiệp thiếu nhân lực trình độ chuyên môn cao.

Đặc biệt, khâu đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ "có những dấu hiệu đáng lo ngại", "là biểu hiện của bệnh sính bằng cấp". Nhiều tiến sĩ thiếu công trình khoa học có giá trị, thiếu tính ứng dụng cho xã hội.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Baochinhphu.vn.

Ở thành phố, vấn đề dạy thêm, học thêm, học phí còn gây lo lắng cho nhân dân. Vùng nông thôn, vùng sâu, xa, phòng học, nhà vệ sinh tạm bợ, thiếu thốn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề ra các mục tiêu: Giáo dục phổ thông phải là nền tảng của nền giáo dục nói chung. Ngành giáo dục cần đổi mới, giảm tải chương trình. Học sinh phổ thông học không nặng nề về khối lượng, không phát triển kiến thức chuyên môn mà phát triển toàn diện.

Học sinh cần biết yêu nước, yêu lịch sử, ứng xử có văn hóa; cần chú ý đến giáo dục thể chất để đào tạo lớp thanh niên khỏe mạnh; chú trọng dạy tiếng Anh, mỹ thuật, nghệ thuật trong nhà trường; tạo cơ hội bình đẳng trong giáo dục giữa trẻ em vùng sâu vùng xa và thành thị.

Giáo dục đại học và nghề nghiệp cần hướng đến đào tạo một thế hệ công dân toàn cầu, khuyến khích liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, đẩy mạnh tự chủ đại học. Quan tâm đến việc dạy nghề thực tế theo tinh thần “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.

Phó thủ tướng: Hướng đến bỏ kỳ thi chung

Tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, nền giáo dục nước nhà đang trong quá trình đổi mới, thay đổi căn bản và toàn diện. Tuy nhiên, việc chuyển đổi không thể ngay một lúc mà phải có những bước trung gian.


 Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị của ngành giáo dục, sáng 5/8. Ảnh:Baochinhphu.vn

“Qua các bước trung gian thì không thể toàn vẹn ngay, còn có những bất cập. Như thi cử, hai năm qua đã có những đổi mới. Năm 2016, chúng ta tổ chức thi ở tất cả các tỉnh. Song như vậy vẫn chưa thuyết phục, bởi trong tương lai, chúng ta phải hướng đến việc thi cử theo đúng quốc tế, phổ thông là phổ thông, đại học là các trường tự chủ tuyển sinh. Thời gian tới sẽ không còn thi chung nữa. Giáo dục không thể một lúc mà đổi mới toàn diện ngay được. Từ năm 2015 đến khi đó, chúng ta sẽ luôn đổi mới”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Ông Đam cho rằng, từng bước đi phải phù hợp điều kiện của Việt Nam. Ví dụ, vấn đề học thêm, dạy thêm phụ thuộc nhiều yếu tố, kể cả tính gương mẫu của các giáo viên. Nhưng thực tế, chúng ta hiện không đủ trường lớp để học sinh học 2 buổi/ngày. Nếu học với khối lượng này, áp lực học thêm, dạy thêm sẽ giảm.

“Ở các nước tiên tiến, học sinh có điều kiện học 2 buổi/ngày. Học sinh nước ta học 1 buổi/ngày. Chúng ta có thông minh mấy cũng làm sao đuổi theo họ được? Để có trường, lớp đủ yêu cầu, xã hội hóa là một phần, nhưng sự đầu tư cũng hết sức quan trọng”, ông Đam nói.

Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng chỉ đạo ngành giáo dục nghiên cứu học phí đúng xu thế. Hiện tại, Việt Nam đã miễn học phí tiểu học, nên chăng sẽ miễn học phí THCS? Hiện nay, một năm học phí THCS của cả nước là 2.000 tỷ đồng, chia 63 tỉnh, không được nhiều.

Ông Đam cũng cho biết, sắp tới không đợi các trường đại học xin tự chủ, mà yêu cầu các trường tự chủ. Nhưng muốn tự chủ, các trường phải đảm bảo được những điều kiện cơ bản nhất.

“Tới đây sẽ xin sự quan tâm của Chính phủ và các địa phương. Thay vì cho, có thể có những gói tín dụng ưu đãi cho các trường vay, đầu tư thực hiện tự chủ”, Phó thủ tướng cho biết.

Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý, cần coi học sinh là trung tâm trong mọi việc của ngành giáo dục. Ví dụ, năm qua, cả nước làm được việc thực hiện khai giảng coi học sinh là nhân vật chính.

“Tôi đề nghị cần tiếp tục tinh thần 'Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi' - không có nghĩa đánh các cháu, nhưng cần khôi phục tinh thần giáo dục kỷ cương, tự lập, yêu lao động. Chúng ta có triết lý, mục tiêu phát triển toàn diện trí tuệ, đạo đức và thể chất” – Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Quyên Quyên/Zing.vn

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn