Thuận lợi, khó khăn trong việc đổi mới đánh giá học sinh cấp Tiểu học

Cập nhật ngày: 01/08/2018 15:15:53

ĐTO - Hiện toàn tỉnh có 311 trường Tiểu học (TH), 14 trường TH, THCS thực hiện đánh giá học sinh (HS) TH theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) dựa theo Thông tư số 30, Thông tư số 22 và Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT ban hành quy định đánh giá HSTH. Đánh giá HS theo quy định mới, đặc biệt theo Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT giảm áp lực về điểm số trong quá trình học tập, rèn luyện.


Học sinh Tiểu học được đánh giá kết quả học tập, rèn luyện theo Văn bản hợp nhất số 03 (ảnh tư liệu)

Quán triệt, triển khai, thực hiện đánh giá theo quy định mới của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT đã có công văn hướng dẫn đến các đơn vị trực thuộc, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, tại các buổi đối thoại với người dân, cán bộ, giáo viên (GV), phụ huynh (PH) HS. Đội ngũ GVTH được tham gia các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ từ cấp tỉnh đến cấp huyện, tập huấn theo cụm trường, chia nhiều đợt, nhiều lớp. Sở GD&ĐT tổ chức 6 hội giảng, thao giảng chuyên môn giáo dục TH cấp tỉnh tại TP.Sa Đéc, huyện Tân Hồng, Tam Nông. Tổ chức 13 tiết dạy, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp dạy học, giáo dục hòa nhập. Lãnh đạo Phòng GD&ĐT xây dựng kế hoạch triển khai, đánh giá HSTH, thành lập Tổ công tác chuyên môn kịp thời hỗ trợ GV trong quá trình thực hiện. GV áp dụng đánh giá mới đối với HS, chủ động điều chỉnh hình thức, nội dung dạy học, giúp đỡ những HS còn hạn chế. GV thể hiện tinh thần trách nhiệm, hỗ trợ giúp đỡ, đánh giá đúng khả năng của HS. Hoạt động bàn giao chất lượng giáo dục cuối năm học được các đơn vị trường rà soát, không để HS không đạt chuẩn lên lớp. Những HS thật sự giỏi sẽ được khen thưởng theo quy định, không khen thưởng tràn lan gây bức xúc cho PHHS.

Việc nhận xét, đánh giá kết quả học tập theo phương pháp mới không đánh giá bằng điểm số phần nào giải tỏa tâm lý áp lực, tự ti, thua kém bạn bè của các em HS có học lực trung bình, yếu. Với 3 mức đánh giá “Hoàn thành tốt”, “Hoàn thành”, “Chưa hoàn thành” giúp các em HS phát hiện những hạn chế để cố gắng hơn trong học tập. Một số em HS có học lực khá, giỏi được GV khuyến khích hướng dẫn, giúp đỡ những bạn có học lực trung bình, yếu. Những HS giỏi được tạo điều kiện rèn luyện phát huy năng khiếu, năng lực học tập, biết đoàn kết thương yêu giúp đỡ bạn trở thành những tấm gương tốt.

Anh Nguyễn Văn Hậu ngụ phường 2, TP.Cao Lãnh có con học tại Trường TH Chu Văn An, TP. Cao Lãnh cho biết: “Cả lớp 1 và lớp 2 cháu đều được đánh giá bằng hình thức hoàn thành tốt, hoàn thành, chưa hoàn thành chứ không ghi điểm số cụ thể. Con tôi ngoài giờ học, tham gia các hoạt động phong trào trong trường. Cuối năm học vừa qua, cháu được nhận phần thưởng do hoàn thành tốt. Những hạn chế của cháu trong khi học được GV thường xuyên thông tin cho tôi biết, vì vậy tôi nghĩ GV nhận xét về cháu những điểm mạnh, yếu cũng khá chính xác”. Cho biết ý kiến về cách đánh giá đối với HSTH, chị Nguyễn Thị Ngọc Hương ngụ khóm II, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười cho biết: “Nếu muốn kiểm tra, quản lý việc học của con mình tốt, sau giờ học, PHHS phải mở tập kiểm tra thêm xem con làm bài như thế nào để biết bồi dưỡng, rèn luyện thêm cho con, chứ không thể giao hết cho thầy, cô trong trường”.

Đối với HS khối lớp 4 và lớp 5, riêng môn Toán, Tiếng Việt có thêm bài kiểm tra định kỳ giữa học kỳ, giúp GV, HS, PHHS có thêm thông tin về kết quả học tập.

Cùng với những thuận lợi, đánh giá HS theo quy định mới GV sẽ gặp khó khăn bởi tâm lý một số PHHS vẫn còn “thích” điểm số. Bản thân GV quen với phương pháp giảng dạy cũ sẽ khó và chậm khi thực hiện điều chỉnh phương pháp giảng dạy mới. Ban giám hiệu các trường khó đánh giá chất lượng học tập của HS, chất lượng, năng lực giảng dạy của GV. Một số GV chưa tận tâm khi nhận xét vào vở, sản phẩm học tập của HS, nên PHHS chưa có nhiều thông tin về con em của mình để có phương pháp bồi dưỡng kịp thời.

Năm học 2018 – 2019, HS  TH tiếp tục được đánh giá theo Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT. Sở GD&ĐT đã xây dựng các kế hoạch tổ chức hoạt động chuyên môn cấp tỉnh, huyện, thị xã, thành phố, chủ động phối hợp cùng PHHS. Đồng thời, kiến nghị Bộ GD&ĐT sớm điều chỉnh, nâng cấp các phần mềm để các đơn vị xử lý số liệu thuận lợi. Tổ chức hội nghị sơ kết phạm vi toàn quốc giúp các địa phương chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn