Tiếp tục đổi mới hoạt động đào tạo theo hướng ứng dụng và hiện đại để đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập

Cập nhật ngày: 22/08/2018 13:09:21

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Trường Đại học Đồng Tháp đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận trong hoạt động đổi mới đào tạo.


Sinh viên Trường Đại học Đồng Tháp tích cực tham gia các buổi chia sẻ về kỹ năng tại Không gian sách

Trong giai đoạn 2013 – 2018, trường hoàn thiện và phát triển 59 chương trình đào tạo (CTĐT): 18 CTĐT đại học các ngành sư phạm, 15 CTĐT đại học các ngành ngoài sư phạm: 20 CTĐT cao đẳng, mở mới 6 CTĐT cao học. Tất cả chương trình đào tạo hệ chính quy được thực hiện theo học chế tín chỉ. Thế mạnh của trường là đào tạo giáo viên cho tất cả các môn học và các bậc học từ Mầm non đến THPT. Trong đó, chất lượng đào tạo giáo viên Mầm non và giáo viên Tiểu học được xã hội đánh giá cao qua thực tế tuyển dụng và sự thăng tiến công tác, thành đạt trong cuộc sống.

Trường luôn tập trung đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo. Cơ cấu ngành nghề, quy mô đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu thị trường lao động và theo quy định chung. Đồng thời, trường triển khai cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, chú trọng phát triển năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, đạo đức nghề nghiệp và hiểu biết xã hội, tiếp cận thông tin khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới.

CTĐT được xây dựng theo các quy định hiện hành, tham khảo đối chiếu CTĐT của các trường đại học có uy tín trong nước và quốc tế, có sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên, cán bộ quản lý, đại diện các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, nhà tuyển dụng lao động và người học đã tốt nghiệp. CTĐT có mục tiêu rõ ràng, cấu trúc hợp lý, đáp ứng yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng và đáp ứng linh hoạt nhu cầu nhân lực của thị trường lao động. Giai đoạn 2013 – 2018, trường đã thực hiện 2 đợt phát triển CTĐT gắn với xây dựng chuẩn đầu ra (2016, 2018).

Bên cạnh đó, trường chú trọng triển khai đổi mới phương pháp dạy và học, phương pháp đánh giá kết quả học tập của người học theo hướng phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu và làm việc theo nhóm của người học, khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Song song đó, trường còn tổ chức nhiều đợt tập huấn cho giảng viên về phương pháp và kỹ năng xây dựng, phát triển CTĐT theo cách tiếp cận POHE, CDIO để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của thế giới việc làm.

So với năm 2013, công tác tổ chức quản lý đào tạo theo hệ thống tín chỉ đã từng bước hoàn thiện, hướng tới chuyên nghiệp, tin học hóa. Trường quan tâm đổi mới công tác xây dựng quy chế, quy định quản lý đào tạo dựa trên các văn bản quy phạm pháp luật, thực tế của trường và thực tiễn xã hội.

Trong thời gian tới, Trường Đại học Đồng Tháp tiếp tục phát triển CTĐT theo định hướng nghề nghiệp và chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với sử dụng lao động, duy trì và mở rộng hợp tác với các bên liên quan trong đào tạo và sử dụng lao động, tiếp tục nghiên cứu và chuẩn bị nguồn lực để mở các ngành đào tạo mới đáp ứng nhu cầu xã hội.

Đối với các ngành sư phạm, trường ưu tiên tuyển thẳng học sinh giỏi THPT, học sinh các trường chuyên vào các ngành sư phạm, kết hợp với sơ tuyển qua xét học bạ 3 năm THPT và phỏng vấn, chú trọng đạo đức, tác phong, ngoại hình, năng khiếu sư phạm. Trong quá trình đào tạo, trường có chính sách hỗ trợ học bổng có giá trị cao cho sinh viên sư phạm theo kết quả học tập từng học kỳ. Bên cạnh đó, trường phát triển CTĐT sư phạm theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, tăng khối lượng thực hành, giảm lý thuyết, đào tạo sinh viên có năng lực đáp ứng tốt với thực tiễn sư phạm theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đối với các ngành ngoài sư phạm, trường quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo phục vụ đào tạo theo hướng tăng cường kỹ năng. CTĐT chú trọng sự tham gia của bên liên quan, nhà sử dụng lao động, bám sát và dự báo xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những thay đổi của thực tiễn kinh tế, văn hóa, đời sông xã hội. Đồng thời, trường sẽ tăng cường tổ chức các hoạt động kết nối và chủ động cung cấp thông tin tuyển dụng và hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.

DIỆU ANH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn