Ngôi nhà của Tương Lai
Trường TH, THCS & THPT Tương Lai, ở đó có những nhà sư phạm giàu kinh nghiệm
Cập nhật ngày: 29/05/2019 11:26:45
Cô giáo Phạm Thị Tuynh trong 31 năm theo nghề, có 10 tấm bằng, chứng chỉ của Việt Nam và Hoa Kỳ để trang bị những gì cần thiết cho việc không chỉ trực tiếp “gõ đầu trẻ”, mà còn tham gia xây dựng nên những hình mẫu trường học mới. Tất cả tinh túy dồn nén từ những năm tháng bôn ba và thành công ở trường mầm non Hạt Đậu Nhỏ, hệ thống Trường Tiểu học song ngữ Việt Mỹ (TP.Hồ Chí Minh), được cô gởi trọn cho Tương Lai.
Gắn bó trọn tình với quê hương Đồng Tháp, cô Trần Thị Hoàng Anh tới nay đã cống hiến 38 năm cho sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà. Trưởng thành từ thực tiễn, không bao giờ chấp nhận những gì ngoài chuẩn mực sư phạm, cô đang là “cây thước thẳng” để giữ ngay ngắn lề cho đàn em, những đồng nghiệp trẻ kế tục sự nghiệp trồng người mà cô đã trăn trở gần 40 năm.
Họ là những tài năng ở nhiều lĩnh vực nặng lòng với con trẻ mà trở thành nhà giáo ở đây. Là “con nhà nòi” với thân phụ là nghệ sĩ và nhà giáo Giáo sư, Tiến sĩ - Nghệ sĩ nhân dân Quang Hải (nguyên Giám đốc đầu tiên của Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh), Nghệ sĩ ưu tú Hoàng Điệp nổi danh không chỉ trong nước giống như cha mình. Thành công trong sáng tác, biểu diễn, giảng dạy, tổ chức hoạt động nghệ thuật,... là một trong rất ít nhạc trưởng nữ thành danh, giờ đây, bà đang trực tiếp đến với từng học trò nhỏ còn bập bẹ ê a ở một nơi chắc hẳn còn lạ lẫm với những giá trị nghề nghiệp lớn lao mà bà có, gieo vào lòng trẻ tình yêu và vẻ đẹp của âm nhạc, cũng là tình yêu và vẻ đẹp của cuộc sống này.
Đó là diễn viên điện ảnh Mai Sơn Lâm, với hàng trăm vai lớn nhỏ trên màn bạc, truyền hình, sân khấu, tạm biệt sự nấn níu ánh đèn, ống kính quen thuộc để ngượng nghịu nhưng đầy quyết tâm cho một khởi đầu tràn đầy hy vọng.
Là những người như Tiến sĩ Nguyễn Thuận Quý, chưa kịp buông công việc vất vả của mình ở Trường Đại học Đồng Tháp, hàng ngày lại tất tả đến trường cùng trăn trở với thầy thuốc bác sĩ Phạm Huy Trí uốn từng câu, nắn từng lời cho từng đứa trẻ.
Họ không chỉ là những người Việt Nam yêu nước và yêu trẻ. Họ là Ana Rea Z. Lagroza, Carmenla Joan Dizon Maderal đến để cùng những đứa trẻ của chúng ta có thể nói tiếng Anh của người bản xứ, là Andreas Auerbach vượt 5.000 cây số từ Cộng hòa Liên bang Đức đem lại những giá trị khác biệt cho ngôi trường mà thầy đã xem như ngôi nhà thứ 2 của mình, ở đất nước xa lạ bây giờ đã trở thành quê hương thứ 2.
Họ là nhà quản lý trẻ Trần Kim Phương Thảo, là cô giáo Phan Thanh, là bạn Hồ Nguyễn Huỳnh Thanh - những người trẻ chọn cống hiến làm lẽ sống.
Trường Tương Lai là một ngôi nhà, ở đó những nhà giáo cũng là phụ huynh
Nếu không có những bộ đồng phục, hẳn mọi người sẽ nhầm tưởng những đứa học trò đang học cùng cha mẹ mình trong ngôi trường này.
Không khó để có thể bắt gặp hình ảnh tỉ mẩn kiên trì bón từng muỗng cơm, miếng cá, chẳng lạ gì nếu bắt gặp một ai đó sửa từng đôi dép cho ngay ngắn trên kệ, lau đi lau lại một vệt nước dọc hành lang. Những ánh mắt dẫu còn ít nhiều mệt mỏi, luôn ánh lên vẻ dịu dàng trìu mến khi hướng về đứa trẻ. Và đẹp đẽ làm sao, bóng cô trò thẩn thơ ríu rít trên những đoạn đường, sân trường quen thuộc sau một ngày cùng vật lộn theo con chữ.
Cánh cổng Trường Tương Lai mở ra Tương Lai cho những đứa trẻ, và mọi người vì Tương Lai, trong trẻo cùng những đứa trẻ trong xã hội nhỏ bé của các em. Dễ dàng nhận thấy nụ cười tươi tắn của rất nhiều những “phụ huynh” dành cho đứa trẻ không phải con mình, chăm chú nhìn nhận và đóng góp từng chi tiết nhỏ, luôn đồng thuận và đồng cảm với những điều mới mẻ mà có khi cũng chưa hẳn là biết rõ, họ đã trao niềm hy vọng lớn nhất cuộc đời mình cho ngôi trường này, như lời một phụ huynh đã từng chia sẻ.
NHƯ ANH