Tự chủ tài chính ở Trường Đại học công lập và vấn đề đặt ra trong công tác tuyển sinh

Cập nhật ngày: 24/07/2019 10:33:00

Tự chủ đại học được nhiều nhà quản lý giáo dục so sánh như chiếc chìa khóa để mở cánh cửa quản trị đại học. Cùng với tự chủ về tổ chức, nhân sự và học thuật, tự chủ tài chính giữ vai trò là động lực thúc đẩy công tác quản trị ở các trường đại học công lập (ĐHCL).


Khen thưởng cho sinh viên thực tập tốt nghiệp có thành tích xuất sắc

Mục tiêu của cơ chế tự chủ tài chính đối với các trường ĐHCL nhằm tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tổ chức, sắp xếp bộ máy, sử dụng nguồn lực lao động, tài chính, nâng cao chất lượng, tăng nguồn thu, thu nhập cho người lao động, giảm dần sự bao cấp đối với ngân sách nhà nước.

Đối tượng giao quyền tự chủ tài chính các trường ĐHCL được chia thành 3 loại: đơn vị có nguồn thu sự nghiệp tự đảm bảo toàn bộ chi phí cho hoạt động thường xuyên; đơn vị có nguồn thu sự nghiệp tự đảm bảo được một phần chi phí cho hoạt động thường xuyên; đơn vị có nguồn thu sự nghiệp thấp hoặc được hỗ trợ 100% chi phí cho hoạt động thường xuyên. Theo các văn bản quy định, cơ chế tự chủ tài chính gồm các nội dung: tự chủ trong quản lý và khai thác nguồn thu; tự chủ trong quản lý chi tiêu; tự chủ trong quản lý và sử dụng tài sản của nhà trường.

Trong thời gian qua, Trường Đại học Đồng Tháp được các đoàn kiểm toán đánh giá sử dụng ngân sách rất hiệu quả, đảm bảo các hoạt động nhà trường ngày càng phát triển. Nhà trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá là 1 trong 10 đơn vị quản lý tài chính tốt trong các trường ĐHCL trong năm 2018; thực hiện phân bổ tài chính hàng năm công khai, dân chủ, minh bạch, đúng chế độ và hiệu quả; đảm bảo thu, chi tài chính tập trung qua Phòng Kế hoạch - Tài chính, chi đúng chế độ, tiêu chuẩn và định mức do nhà nước qui định; đảm bảo ổn định thu nhập tăng thêm ổn định và tăng đều cho công chức và viên chức suốt nhiều năm qua.

Nhà trường xây dựng qui chế chi tiêu nội bộ và có sửa đổi, bổ sung hàng năm một cách công khai, dân chủ, phù hợp quá trình phát triển nhà trường. Cơ cấu chi hàng năm của trường hợp lý, vừa đảm bảo chi cho con người, vừa đảm bảo đủ kinh phí cho hoạt động chuyên môn và có dành tỷ lệ thích hợp chi đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị phục vụ đào tạo và công tác, cùng với sự ổn định về biên chế lao động, tinh gọn bộ máy tổ chức, lãnh đạo trường năng động, nội bộ đồng thuận, nên nguồn lực tài chính của trường được duy trì ổn định và đảm bảo phát triển.

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả tự chủ tài chính, Trường Đại học Đồng Tháp đầu tư mở rộng hoạt động liên kết đào tạo các tỉnh trong khu vực để ổn định nguồn thu, tăng cường mở rộng hoạt động bồi dưỡng ngắn hạn để tăng nguồn thu bù đắp chỉ tiêu đào tạo sư phạm giảm mạnh, mở rộng liên kết đào tạo với nước ngoài để nâng cao chất lượng và tăng nguồn thu cho trường.           

Bên cạnh đó, nhà trường thực hiện đa dạng hóa các nguồn lực tài chính như các hoạt động dịch vụ đào tạo, nghiên cứu, các dịch vụ cộng đồng, tài trợ... Tạo nguồn thu bổ sung tương đương với tổng kinh phí hoạt động thường xuyên. Áp dụng chính sách khuyến khích đối với các đơn vị, cá nhân có thành tích tạo nguồn thu cho trường.

Đồng thời, nhà trường đảm bảo kinh phí cho các nhiệm vụ thường xuyên tăng ở mức ổn định, tập trung đầu tư tạo bước đột phá về chất lượng đào tạo và nghiên cứu ưu tiên theo mục tiêu chiến lược phát triển, mở rộng việc áp dụng cơ chế khoán chi theo nhiệm vụ của các đơn vị; điều chỉnh kịp thời quy chế chi tiêu nội bộ theo hướng tạo động lực phát triển; đổi mới quản lý tài chính theo hướng kế hoạch hóa, tin học hóa và minh bạch hóa; thực hiện các giải pháp hữu hiệu chăm lo đời sống tốt nhất cho công chức, viên chức.

Với tốc độ phát triển siêu nhanh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các trường ĐHCL nói chung đang đứng trước nhiều cơ hội, thách thức đan xen nhau. Đổi mới quản trị đại học được nhiều chuyên gia khẳng định là giải pháp chiến lược để các trường có thể tận dụng tốt cơ hội, vượt qua thách thức bằng chính những điểm mạnh và cả điểm yếu của mình. Tự chủ đại học được áp dụng hiệu quả toàn phần sẽ kiến tạo nên “hệ sinh thái” hội tụ các điều kiện cần thiết để các trường ĐHCL thực hiện hiệu quả tái cấu trúc nhà trường, đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Với Trường Đại học Đồng Tháp, tự chủ tài chính và vấn đề đặt ra trong tuyển sinh vẫn luôn là “một con chíp điện tử” cần được hỗ trợ hữu hiệu để được kích hoạt đầu tiên.

HIẾU TRI

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn