Văn hóa góp ý, phản biện

Cập nhật ngày: 12/09/2018 09:41:03

ĐTO - Vào năm học mới, bên cạnh việc chọn trường, chọn lớp, sắm sửa quần áo, tập sách cho con em, đóng quỹ, thì dư luận dậy sóng chuyện học tiếng Việt theo sách Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại.

 http://baodongthap.com.vn/database/video/20180912093541GD.mp3

Trước đây không lâu, khi biết được công trình cải cách chữ viết tiếng Việt của Phó Giáo sư Bùi Hiền, phản ứng của dư luận cũng gần giống như hiện nay.

Điểm khác biệt giữa 2 công trình là sách Công nghệ giáo dục đã được thử nghiệm và hiện được áp dụng ở gần 50 tỉnh, thành, còn cải cách chữ viết tiếng Việt chỉ mới là ý tưởng.


Ảnh minh họa (nguồn: VOV)

Những ý kiến trái chiều, khen, chê, băn khoăn, thắc mắc... về các công trình nói trên cho thấy sự quan tâm rộng rãi của xã hội đến chuyện học hành của con em mình, đến sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Tuy nhiên, có người, trong đó có trí thức hoặc tự nhận là trí thức sử dụng mạng xã hội, lợi dụng diễn đàn chính thức để tán phát ý kiến, nhận định chủ quan của mình với lời lẽ thô tục, chửi bới, thóa mạ, quy kết mục đích, động cơ của tác giả công trình.

Lịch sử đã chứng minh cái mới ra đời không phải một sớm một chiều mà phải trải qua quá trình nghiên cứu, tìm tòi, khám phá cộng với niềm đam mê của tác giả. Khi ra đời, để được xã hội thừa nhận, cái mới đó có khi phải mất hàng chục, hàng trăm năm bổ sung, hoàn thiện.

Cho thấy giá trị thực tiễn của mỗi cái mới cần phải có thời gian kiểm nghiệm trong thực tế. Bên cạnh đó, sự thừa nhận, ủng hộ những cái mới tiến bộ là một trong những tiền đề, động lực chủ yếu để xã hội phát triển.

Công trình của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, Phó Giáo sư Bùi Hiền là những sáng tạo mới. Vì vậy, chuyện dư luận lên tiếng ủng hộ hay phản đối là bình thường.

Tuy nhiên, dù với lý do mức độ am hiểu vấn đề khác nhau, do cảm xúc chủ quan, hiệu ứng lây lan hay nguyên nhân gì khác, thì những ý kiến đóng góp đó cần hướng tới ủng hộ cái mới tiến bộ, góp ý những yếu tố chưa hoàn thiện của cái mới trong khuôn khổ văn hóa, truyền thống ứng xử của người với người nói chung, của người Việt Nam nói riêng.

Biết đến bao giờ nền giáo dục nước nhà mới đạt tầm khu vực và thế giới, để giáo dục thật sự là quốc sách hàng đầu khi có ý kiến, công trình mới lại bị ném đá bất chấp thị phi?

Học sinh, những người chủ tương lai đất nước sẽ nghĩ gì, hành động gì khi nghe, đọc những lời lẽ xúc phạm những người cả đời vì sự nghiệp giáo dục nước nhà?

Giáo viên, nhất là những giáo viên được phân công dạy lớp 1 sẽ dạy học với tâm thế nào trước năm học mới?

Trả lời những câu hỏi trên đây không chỉ là trách nhiệm của những người gián tiếp và trực tiếp lãnh đạo, quản lý giáo dục mà còn là trách nhiệm của chúng ta.

Góp ý, phản biện là cần thiết để xã hội tốt hơn, tiến bộ hơn, nhưng không phủ nhận, đả kích cái mới; nhất là khi chưa có thông tin, am hiểu đầy đủ cái mới đó, chỉ nêu ý kiến để thể hiện cái tôi của mình. Đó là cách thể hiện văn hóa trong góp ý, ứng xử.

HỮU Ý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn