Xây dựng trường học hạnh phúc với sự yêu thương, tôn trọng, an toàn và vai trò của Hiệu trưởng

Cập nhật ngày: 24/02/2021 13:50:07

Xây dựng trường học hạnh phúc vừa là mục tiêu vừa là giá trị của những nền giáo dục tiên tiến, được ví như một thông điệp lan tỏa nguồn cảm hứng tích cực. Nhiều hệ thống tiêu chí được đề xuất để đánh giá trường học hạnh phúc, nhưng đều “giao thoa” ở các giá trị: yêu thương, tôn trọng và an toàn. Đồng thời, Hiệu trưởng nhà trường có “sứ mệnh” đặc biệt trên hành trình xây dựng trường học hạnh phúc.


Nét đẹp của sinh viên Khoa Ngoại ngữ - Trường Đại học Đồng Tháp

Unesco đưa ra “Mô hình trường học hạnh phúc” (Happy School) xoay quanh 3 chữ P. Chữ P đầu tiên là People (Con người): để có trường học hạnh phúc, cần chú trọng xây dựng những giá trị nhân văn và chuẩn mực hành xử tích cực giữa nhà giáo với người học, giữa nhà giáo với nhà giáo, giữa nhà giáo với Ban giám hiệu, giữa nhà giáo với phụ huynh. Chữ P thứ hai là Process (Hệ thống): các quy trình, chính sách, hoạt động được thiết kế khoa học và hợp lý để vận hành ngôi trường. Chữ P thứ ba là Place (Môi trường): không gian vật chất lẫn không gian văn hóa là môi trường an toàn, thân thiện.

Từ mô hình trên, yếu tố con người (trước hết là “người học và người dạy”) được coi trọng trước tiên, tiếp theo mới yếu tố hệ thống (“hệ điều hành” giáo dục) và sau cùng là môi trường (“hệ sinh thái” giáo dục). “Mục tiêu của giáo dục không phải là dạy cách kiếm sống hay cung cấp công cụ để đạt được sự giàu có, mà đó phải là con đường dẫn lối tâm hồn con người vươn đến cái Chân và thực hành cái Thiện” (Vijaya Lakshmi Pandit), bởi vì vậy mà “sự yêu thương” được xác tín đầu tiên trong 3 giá trị cốt lõi của trường học hạnh phúc: yêu thương, tôn trọng và an toàn. Tiếng Việt thật ý vị có từ “nhà trường”, dùng chữ “nhà” ghép với chữ “trường”, để “định danh” cho một cơ sở giáo dục có trò, có thầy, có hệ thống vận hành - quản lý, có chương trình giáo dục và môi trường giáo dục tương ứng.

Trường học hạnh phúc, khi và chỉ khi người học và người dạy đều hạnh phúc. Để xây dựng trường học hạnh phúc, nhà quản lý giáo dục cần theo đuổi các giá trị “yêu thương, tôn trọng và an toàn”, thực hành dân chủ, kiến tạo không gian sáng tạo với tri thức mới, tư duy không ngừng được khai phóng. Để làm được như vậy, trước tiên, Hiệu trưởng nhà trường phải là một người hạnh phúc, là “một điểm tựa hạnh phúc” vững chãi của đồng nghiệp và học trò. Thứ hai, với vai trò lãnh đạo, Hiệu trưởng phải xây dựng được đội ngũ nhà giáo hạnh phúc, để mỗi nhà giáo là “một đại sứ hạnh phúc” trong trường học và trong cuộc sống.

Thứ ba, Hiệu trưởng cần truyền được cảm hứng và khát vọng về việc theo đuổi sứ mệnh xây dựng “văn hóa nhà trường” – một yếu tố nền tảng của xây dựng trường học hạnh phúc. Thứ tư, Hiệu trưởng cần xây dựng được các “quy ước hạnh phúc” không chỉ thể hiện bằng nội quy, quy định và quy trình, mà quan trọng hơn chính là các “quy ước của chương trình giáo dục ẩn”, được ngầm hiểu như một lẽ tất nhiên và vui vẻ.

Thứ năm, Hiệu trưởng cần đầu tư xây dựng “không gian hạnh phúc” trong trường học cả không gian vật chất và không gian phi vật chất. Thứ sáu, với vai trò là “một nhà giáo đặc biệt”, Hiệu trưởng cần hết lòng kết nối với phụ huynh, cộng đồng và thường xuyên chia sẻ các giá trị về trường học hạnh phúc đến người học, kiên trì theo đuổi vai trò lan tỏa năng lượng hạnh phúc tích cực.

Việc kiến tạo mô hình trường học hạnh phúc cần được xác định là một nhiệm vụ chiến lược, điểm nhấn trong triết lý giáo dục hiện đại mà các nhà trường nên kiên trì theo đuổi thực hiện. Các thành tố thường được nhắc đến trong sự nghiệp giáo dục là “nhà trường, gia đình và xã hội” với vai trò khác nhau nằm trong sự tổng hòa, riêng trong thành tố nhà trường, Hiệu trưởng với vị trí “thuyền trưởng” có vai trò quan trọng bậc nhất trong việc kiến tạo và vận hành “con tàu” hạnh phúc.

MINH GIẢN – VĂN NGHIÊM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn