7 cách tiểu hành tinh tiêu diệt sự sống trên Trái Đất

Cập nhật ngày: 23/04/2017 06:58:04

Gió thổi mạnh, áp lực cao, bức xạ nhiệt là ba trong số những ảnh hưởng của tiểu hành tinh khi va chạm với Trái Đất có khả năng giết chết con người và nhiều sinh vật khác.


Tiểu hành tinh có thể giết chết rất nhiều người khi lao xuống thành phố đông dân cư. Ảnh: News.com.au

Các nhà khoa học tại đại học Đại học Southampton, Anh, chỉ ra 7 nguy cơ khác nhau khi Trái Đất va chạm với một tiểu hành tinh, theo News.com.au. Họ công bố kết quả nghiên cứu trong bài báo có tựa đề "Tác động của tiểu hành tinh và những mối nguy hiểm trực tiếp đối với con người", xuất bản trên tạp chí AGU hôm 19/4.

Nhóm nghiên cứu sử dụng mô phỏng máy tính để đánh giá nguy cơ gây ra bởi 50.000 tiểu hành tinh khác nhau. Kết quả cho thấy, tiểu hành tinh va chạm trực tiếp với đất liền hoặc phát nổ trên bầu trời gây ra sự phá hủy và chết chóc nhiều hơn, so với khi chúng lao xuống biển và tạo ra một cơn sóng thần.

Luồng gió mạnh

Gió hình thành khi tiểu hành tinh va chạm với Trái Đất gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Chúng có thể thổi bay người và các vật thể xung quanh, phá hủy nhà ở. Các nhà nghiên cứu cho rằng, chỉ cần một tiểu hành tinh có chiều rộng bằng 18 m là đủ để khiến nhiều người chết và bị thương.

Áp lực quá cao

Sóng xung kích được tạo ra khi tiểu hành tinh phát nổ trong không khí, hoặc rơi xuống đất liền và biển. Nó gây ra nhiều thiệt hại và thương tích cho con người, chẳng hạn như phá vỡ các cơ quan nội tạng. Thậm chí nếu tiểu hành tinh đủ lớn, sóng xung kích có thể nghiền nát cơ thể nạn nhân.

Sóng xung kích cũng phá hủy các công trình kiến trúc, khiến cửa sổ hư hỏng, gây thương tích gián tiếp cho con người bằng vô số mảnh kính vỡ bay trong không khí.

Bức xạ nhiệt

Khi tiểu hành tinh va chạm với Trái Đất, nó tạo ra những quả cầu lửa khổng lồ và đốt cháy các tòa nhà. Nhiệt độ cao sẽ tiêu diệt bất kỳ ai đang đứng ở gần nơi xảy ra va chạm.

Con người có thể tránh những quả cầu lửa do tảng đá không gian nhỏ bị đốt cháy trong khí quyển bằng cách trú ẩn trong tầng hầm. Nhưng khi phát hiện một tiểu hành tinh lớn hơn có khả năng va chạm với thành phố, người dân cần phải được di tản để hạn chế số người chết và bị thương.

Tạo ra miệng hố lớn

Tiểu hành tinh va chạm với Trái Đất thường tạo ra một miệng hố khổng lồ. Đôi khi lực tác động mạnh đến nỗi khiến tiểu hành tinh gần như tan chảy ngay lập tức. Tuy nhiên, khả năng bạn đứng chính xác ở khu vực miệng hố hình thành là khá nhỏ.

Vật chất phun trào (ejecta)

Quá trình hình thành miệng hố có thể ném một lượng lớn đá và mảnh vụn vào không khí. Các mảnh vỡ tiếp tục bị đốt cháy sau khi quả cầu lửa không còn. Tuy nhiên, cả miệng hố lớn và vật chất phun trào đều được xem là yếu tố có nguy cơ thấp vì con người đã bị giết bởi các tác động khác của tiểu hành tinh.

Nếu tiểu hành tinh đủ lớn, nó sẽ đẩy nhiều vật chất vào trong không khí, làm ngăn chặn ánh sáng Mặt Trời. Nếu những vật chất này tồn tại trong khí quyển đủ lâu, nó làm cho thực vật chết đi và các sinh vật khác trên Trái Đất bị chết đói.

Sóng thần

Nếu một tiểu hành tinh rơi xuống biển, nó chắc chắn gây ra sóng thần lớn. Sóng thần có khả năng giết chết những người sinh sống ở vùng ven biển, cách xa địa điểm va chạm.

Chấn động địa chấn

Vụ va chạm với tiểu hành tinh nhiều khả năng sẽ tạo ra động đất. Tuy nhiên, yếu tố động đất thường không giết chết nhiều người như các tác động khác.

Lê Hùng (VNE)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn