NASA sắp phóng tàu ‘chạm vào Mặt trời’

Cập nhật ngày: 08/07/2018 05:57:20

Trong tháng 7 này, một tàu thăm dò không người lái của NASA sẽ bắt đầu cột mốc mới trong lịch sử nhân loại với sứ mạng tên ‘chạm vào mặt trời’.


Các kỹ sư thực hiện những bước cuối cùng để hoàn thiện tàu Parker Solar - Ảnh: NASA

Nhận trách nhiệm lần này là tàu thăm dò không người lái Parker Solar. Tàu được đặt tên theo nhà vật lý học, thiên văn học Eugene Parker - người đầu tiên đưa ra những khái niệm gió Mặt trời.

Parker Solar do Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng Johns Hopkins phát triển, dự kiến được phóng vào ngày 31-7 và sẽ chạm đến phần ngoài cùng của khí quyển Mặt trời sau hành trình dài 7 năm.

Tàu sẽ vào không gian rồi bay 7 vòng xung quanh sao Kim trước khi đến đích khi cách Mặt trời khoảng 5,9 triệu km (khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời là 150 triệu km).

Đây là khoảng cách gần Mặt trời nhất từ trước tới nay. Đồng thời, khoảng cách này cũng giúp Parker Solar lọt vào trong quỹ đạo của sao Thủy quanh Mặt trời.

Để có thể chịu đựng sức nóng khủng khiếp từ Mặt trời, Parker Solar được trang bị các tấm áo giáp vững chắc, trong đó có các lá chắn cacbon phức hợp đường kính dài 2,43m và dày 11,5cm. Bộ áo giáp này giúp Parker Solar chống chịu được nhiệt độ tối đa lên đến 1.400 độ C.

Tháng 1 vừa qua, NASA từng mô phỏng một môi trường mà tàu sẽ phải đối diện khi lên vũ trụ. Kết quả, Parker Solar hoạt động tốt.

NASA cho biết tàu thăm dò Parker Solar sẽ di chuyển với tốc độ hơn 700.000km/h - một tốc độ khủng khiếp, bằng với việc đi từ New York đến Tokyo trong vòng chưa đầy một phút, hoặc đi từ Philadelphia tới Washington chỉ trong 1 giây.

Nhiệm vụ này nằm trong chương trình "Sống cùng các vì sao" của NASA, nhằm tìm hiểu tác động từ Mặt trời đến đời sống ngoài không gian và trên Trái đất. 

Cụ thể, NASA sẽ sử dụng thông tin khai thác được để dự báo tốt hơn thời tiết không gian, yếu tố ảnh hưởng đến vệ tinh, phi hành gia và tình hình biến đổi khí hậu của Trái đất.

"Tàu Parker Solar tiên phong chạm đến bề ngoài của khí quyển Mặt trời, giúp chúng ta tìm hiểu thêm về nguồn gốc và sự phát triển của gió Mặt trời", người phát ngôn NASA cho biết.

TRỌNG NHÂN (TTO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn