Núi lửa phủ tuyết ở Nam Cực

Cập nhật ngày: 21/11/2013 05:28:51

Các trận động đất và dư chấn nhỏ được ghi nhận xảy ra ở phía tây của Nam Cực là dấu hiệu cho sự tồn tại của một ngọn núi lửa đang hoạt động, nhưng nó bị vùi lấp bên dưới lớp băng khổng lồ.


Ngọn núi lửa bên dưới lớp băng ở tây Nam Cực có nguy cơ sẽ phun trào
trong tương lai, làm tan chảy các tảng băng trong khu vực và làm tăng
mực nước biển. Ảnh minh họa: Washington University in St. Louis

Theo Nature World News, các nhà địa chấn học tình cờ phát hiện ngọn núi lửa khi đang nghiên cứu tại khu vực Marie Byrd Land và lắp đặt các máy ghi địa chấn trên quy mô rộng ở khu vực này nhằm tái thiết lại lịch sử khí hậu ở Nam Cực.

Trong khoảng thời gian từ tháng 1/2010 đến tháng 3/2011, các nhà nghiên cứu nhận thấy dấu hiệu liên quan đến hoạt động của núi lửa nhờ dữ liệu ghi được từ máy ghi địa chấn.

Với tần số đo được chỉ khoảng 2-4 Hz, nhóm nghiên cứu cho rằng đây là hoạt động của macma bên dưới các lớp băng, khác với các dấu hiệu của hoạt động kiến tạo. Ngoài ra, họ cũng loại trừ khả năng đây là chuyển động của các lớp băng bởi các hoạt động dư chấn này xảy ra ở độ sâu khoảng 25-40 km.

Sau khi trao đổi với tiến sĩ Duncan Yound và Don Blankenship của Đại học Texas, những người đã thiết lập bản đồ các lớp băng ở Nam Cực, họ cũng phát hiện một lớp tro núi lửa bị chôn vùi bên dưới các tảng băng ở khu vực này.

"Tôi cho rằng không còn nghi ngờ gì về sự tồn tại của ngọn núi lửa ở bên dưới lớp băng", Live Science dẫn lời Richard Aster, một nhà địa chấn học tại Đại học bang Colorado, đồng tác giả nghiên cứu, cho hay.

Theo Amanda Lough thuộc Đại họcWashington ở St Louis, bang Missouri, đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu phát hiện một ngọn núi lửa hoạt động dưới lớp băng ở tây Nam Cực. Nhóm nghiên cứu cũng cho biết ngọn núi lửa sẽ có nguy cơ phun trào trong tương lai, làm tan chảy các tảng băng trong khu vực và làm tăng mực nước biển trên khắp thế giới.

Nguồn: Thùy Linh-VnExpress

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn