Sao chổi cực sáng bay trên Trái đất 11,6 triệu km vài ngày tới

Cập nhật ngày: 09/12/2018 05:33:16

Theo NASA, một ngôi sao cực sáng mang tên 46P/Wirtanen đang lao về phía Trái đất và cách trái đất khoảng cực ngắn.


46P/Wirtanen là sao chổi sáng nhất năm 2018 tiến đến Trái đất - Ảnh: SCIENCE

Trang Universe Today cho biết 46P/Wirtanen do nhà thiên văn học người Mỹ Carl Wirtanen phát hiện lần đầu tiên vào ngày 17/1/1948 khi đang quan sát bầu trời đêm từ đài quan sát Lick ở ĐH California, Mỹ.

Từ đó đến nay, nhiều nhóm nghiên cứu bắt tay vào phân tích độ sáng và đường đi đặc biệt của sao chổi này và trả lời câu hỏi liệu 46P/Wirtanen có lao vào Trái đất hay không.

Đáp án là không. Dẫu vậy, 46P/Wirtanen sẽ là một trong 20 sao chổi tiến đến gần đến Trái đất nhất kể từ thế kỷ thứ 9 đến nay.

Cụ thể vào 20h ngày chủ nhật 16/12 (giờ Việt Nam), ngôi sao này sẽ cách Trái đất khoảng 11,6 triệu km - khoảng cách cực gần trong thiên văn học.


Vòng cung đứt nét màu vàng chính là đường đi của sao chổi - Ảnh: NASA

Theo trang Sky & Telescope, đuôi sao chổi 46P/Wirtanen có thể dài từ 2-3 lần đường kính của Mặt trăng, góp phần tạo nên độ sáng nổi bật của nó.

Tuy nhiên, đường kính của ngôi sao lại rất nhỏ, chỉ khoảng 1,2km. Các nhà thiên văn học tính toán sao chổi này đang di chuyển với vận tốc 34.000km/h.

NASA đã lên một kế hoạch chi tiết nghiên cứu ngôi sao chổi này khi nó bay qua Trái đất. Ông Michael DiSanti - một nhà khoa học làm việc ở NASA - cho biết với khoảng cách cực gần, 46P/Wirtanen có thể hé lộ những chi tiết về thành phần cấu tạo của sao chổi và nhân sao chổi khi phơi sáng dưới mặt trời sẽ ra sao.

Riêng với những người đam mê thiên văn, họ có thể nhìn thấy sao chổi 46P/Wirtanen bằng mắt thường, tuy nhiên mọi người có thể sử dụng thêm các thiết bị hỗ trợ như ống nhòm hay kính viễn vọng, đồng thời nên rời xa phố thị nhiều ánh sáng mới dễ dàng quan sát.

TRỌNG NHÂN (TTO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn