Thủ phạm khiến sầu riêng có mùi khó ngửi
Cập nhật ngày: 12/10/2017 07:18:19
Các nhà khoa học Singapore giải mã loại gene biến sầu riêng thành loại quả nặng mùi nhất thế giới.
Sầu riêng là loại quả có mùi nồng nhất thế giới. Ảnh: Wordpress
Các nhà nghiên cứu ở Singapore lập bản đồ gene của sầu riêng, được mệnh danh là "vua của các loại quả" ở Đông Nam Á, Long Room hôm 9/10 đưa tin. Họ xác định một nhóm gene có tên gọi methionine gamma lyases bị kích hoạt cao độ khi quả chín, tạo ra mùi khó ngửi đặc trưng của sầu riêng.
Dù rất được ưa chuộng, quả sầu riêng bị cấm đưa vào nhiều khách sạn và vận chuyển ở nơi công cộng tại Singapore và Malaysia do mùi hương nồng đặc trưng của nó.
"Mùi sầu riêng được mô tả như sự pha trộn giữa mùi lưu huỳnh của hành, mùi quả ngọt và mùi gia vị gắt", nhà di truyền học Bin Tean Teh, phó giám đốc Trung tâm Ung thư Quốc gia Singapore (NCC), đồng tác giả nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Genetics, cho biết. "Một thành phần chủ chốt trong mùi sầu riêng là hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi (VSC), đặc trưng ở trứng thối, hẹ tây khô và hành đang phân hủy".
Nhóm nghiên cứu đến từ NCC và Trường Y khoa Duke - NUS so sánh ADN của sầu riêng với các loài thực vật khác cũng có mùi khó ngửi như bông và cacao. Khác với những thực vật chỉ có một hoặc hai đoạn sao chép của gene sản sinh VSC, sầu riêng có tới 4 đoạn sao chép, khiến lượng VSC tăng vọt.
Theo các nhà nghiên cứu, mùi hương nồng có thể đóng vai trò rất quan trọng đối với sầu riêng trong tự nhiên, giúp thu hút động vật ăn quả và phát tán hạt giống. Nhóm của Teh sắp xếp bộ gene của sầu riêng Musang King và phát hiện loại quả này có 46.000 gene, gần gấp đôi số lượng gene ở người.
Phương Hoa (VNE)