Vai trò của khoa học kỹ thuật trong xây dựng nông thôn mới

Cập nhật ngày: 09/07/2016 07:01:13

ĐTO - Những năm qua, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh đạt được một số kết quả nhất định. Trong những nhân tố góp phần đạt được kết quả đó phải kể đến sự đồng hành của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, các hội thành viên thông qua việc đưa khoa học kỹ thuật (KHKT) vào đời sống, sản xuất.


Nông dân áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, thu hoạch

Khơi dậy tinh thần sáng tạo khoa học kỹ thuật

Đồng hành với chương trình xây dựng NTM của tỉnh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh và các hội thành viên tích cực tham gia phổ biến kiến thức KHKT bằng nhiều hình thức, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; giảm nghèo và an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cho cư dân nông thôn...

Nét nổi bật trong hành trình xây dựng NTM của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh là tích cực phát động phong trào quần chúng tiến quân vào KHKT thông qua việc tổ chức hội thi Sáng tạo Kỹ thuật, cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng của tỉnh. Theo nhận định của đơn vị, sức sáng tạo của quần chúng nhân dân vô cùng phong phú, nếu biết khơi dậy và tổ chức thành phong trào thì sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho sản xuất và đời sống xã hội.

Nhiệm kỳ qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp các đơn vị hữu quan tổ chức triển khai thành công 6 lần hội thi Sáng tạo Kỹ thuật. Hội thi thu hút được sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân với 385 giải pháp tham gia dự thi, trong đó có 169 giải pháp đạt giải cấp tỉnh và 33 giải pháp đạt giải toàn quốc.

Song song đó, cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng thật sự là một sân chơi bổ ích để tuổi trẻ vận dụng những kiến thức được học hỏi, tìm tòi, sáng tạo ra mô hình sản phẩm hữu ích phục vụ cho việc học tập, hoạt động xã hội. Thông qua các cuộc thi có 156 mô hình đạt giải cấp tỉnh, 6 mô hình sản phẩm đạt giải toàn quốc. Trong đó có 1 mô hình đạt huy chương đồng tại Triển lãm Sáng tạo khoa học công nghệ trẻ Châu Á (AYIE) năm 2014.

Đánh thức nền nông nghiệp

Theo ông Trần Văn Em - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười, việc phổ biến kiến thức chuyển giao tiến bộ KHKT đã góp phần đánh thức tiềm năng của nền nông nghiệp địa phương, từng bước tăng thu nhập cho người dân - một trong những đích đến của chương trình xây dựng NTM. Thông qua đó, huyện đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, trên địa bàn huyện, gần 100% diện tích cơ giới hóa trong khâu thu hoạch, làm đất. Bằng những định hướng trong tình hình sản xuất mới, huyện tập trung đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ. Hiện diện tích lúa liên kết của địa phương đạt trên 16.800ha. Qua đó, huyện Tháp Mười cũng hình thành các mô hình sản xuất mới như nuôi ếch, cá sặc rằn, nuôi cá rô thương phẩm, trồng hoa huệ... góp phần đa dạng hóa sản phẩm và tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp của huyện.

Trước việc đưa KHKT vào canh tác, từng bước hướng người dân thay đổi tư duy sản xuất bằng các quy trình sản xuất sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường, ông Đoàn Thanh Hiền - xã viên HTX Xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh chia sẻ: “Nhu cầu thị trường ngày càng đòi hỏi chất lượng sản phẩm song hành với yếu tố an toàn thì việc đầu tư sản xuất xoài theo tiêu chuẩn GlobalGAP không chỉ đáp ứng nhu cầu cho sản phẩm xuất ngoại mà còn bảo vệ thương hiệu xoài quê hương”.


Nhà vườn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm hạ giá thành, chinh phục thị trường

Thời gian qua, Hội Làm vườn tỉnh Đồng Tháp phối hợp cùng ngành nông nghiệp vận động thành lập được 59 tổ hợp tác, 6 hợp tác xã cây ăn trái nhằm tạo thế mạnh chung trong sản xuất mua bán, giảm giá thành canh tác. Xác định đầu ra cho nông sản là yếu tố “sống còn” của nhà vườn, vì vậy Ban chấp hành Hội Làm vườn tỉnh luôn chủ động làm cầu nối quảng bá, đưa nông sản tỉnh nhà mở rộng thị trường nội địa, tạo kênh phân phối đến với người tiêu dùng trong, ngoài nước. Trong năm 2015, Hội Làm vườn tỉnh kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiêu thụ 3 loại trái cây chủ lực cho bà con nông dân là xoài, nhãn và quýt đường. Cụ thể, đối với mặt hàng xoài, sản lượng được các doanh nghiệp tiêu thụ 1.160 tấn, trong đó có 20 tấn tiêu thụ thị trường ngoài nước; về trái nhãn, sản lượng dành cho thị trường ngoài nước chiếm khá cao với 100/240 tấn được doanh nghiệp tiêu thụ; riêng sản phẩm quýt đường sản lượng tiêu thụ là 540 tấn...


Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật cùng các hội thành viên quan tâm công tác hoàn thiện cầu đường nông thôn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, qua 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, Đồng Tháp đạt một số thành quả bước đầu với 27 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Điểm nổi bật sau thời gian thực hiện chương trình là bộ mặt nông thôn của tỉnh thay đổi tích cực. Cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa - xã hội phục vụ tốt hơn nhu cầu về mặt sản xuất và dân sinh. Riêng sản xuất nông nghiệp có sự phát triển, đạt nhiều thành tựu trong áp dụng KHKT vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa, xây dựng nhãn hiệu hướng đến thị trường xuất khẩu. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt với mức thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn cuối năm 2015 là trên 29 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 2 lần so lúc khởi điểm); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4%.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đạt được kết quả trên là nhờ sự đóng góp tích cực của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội từ tỉnh đến cơ sở trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng NTM. Đặc biệt là vai trò của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật và các Hội thành viên khi đưa KHKT vào sản xuất, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM.

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn