“Miệt vườn” nơi xứ lũ

Cập nhật ngày: 09/12/2015 12:47:41

Vào một ngày giữa tháng 11/2015, có dịp ngược về miệt Tam Nông, nơi được xem là “rốn lũ” của vùng Đồng Tháp Mười. Thật bất ngờ, giữa rốn lũ lại “mọc lên” vùng cây trái xum xuê chẳng thua kém những nơi có thế mạnh phát triển cây ăn trái.


Chú Võ Văn Đào - Giám đốc hợp tác xã Tân Tiến (thứ hai từ bên trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng những nông dân chuyển đổi mô hình trồng vườn hiệu quả

Khác với những vùng đất chuyên canh trồng cây ăn trái, vườn cây ăn trái ở đây mọc lên ngay giữa vùng đất lúa, đây đó thấp thoáng các chòi canh giữ vườn lúp xúp trông rất lạ. Ghé vào chòi canh của một nông dân hỏi chuyện thì được biết, trước đây, dân vùng này chủ yếu sản xuất lúa hai vụ, nhưng do là vùng đất gò, chuột bọ phá hại nhiều, lại thêm đất pha sét nên năng suất lúa thấp. “Thông thường, ở ô bao 24a này, những vùng trũng sản xuất lúa đạt năng suất 7 tấn/ha, thì ở đây chỉ đạt khoảng 6 tấn thôi, tính hết chi phí sản xuất thì chẳng còn lời bao nhiêu”.

Anh Phạm Quang Minh ở ấp K9, xã Phú Đức nhớ lại những năm trước đây làm lúa rất khó khăn. Do là vùng đất cao, thêm pha cát nên hễ bơm nước vào ruộng mà có lỗ mọi hay dế nhủi phá là nước rút hết lúc nào không hay, lúa làm không năm nào trúng. Sau khi tìm hướng phát triển kinh tế, một lần tình cờ đến thăm người bạn ở Tân Quới (Thanh Bình) thấy ở đây đất cũng tương tự quê mình nhưng lại trồng được xoài cát Hòa Lộc, xoài Đài Loan nên anh xin vài cây về trồng thử. Một thời gian sau thấy cây phát triển tốt, nên anh quyết định mở rộng thêm 3 công đất ruộng lên thành vườn xoài Đài Loan và cát Hòa Lộc. Đến nay, vườn xoài của gia đình anh được 5 năm tuổi, cho trái được hai đợt, với năng suất đạt 1 tấn/công, trừ tất cả chi phí, 1 năm gia đình anh thu lợi nhuận trên 80 triệu đồng.

“Nếu tính lợi nhuận so với lúa thì làm vườn cao hơn gấp 3-4 lần. Thấy mình làm hiệu quả, các hộ xung quanh cũng làm theo, đến nay nơi này có trên 20ha đất sản xuất lúa chuyển sang làm vườn” - anh Minh nói. Ông Mai Văn Bé, một hộ vừa chuyển sang trồng xoài được gần 2 năm cho biết: “Do ở đây được đầu tư đê bao vững chắc nên tôi không ngại nước lũ, mạnh dạn chuyển sang làm vườn, thêm nữa loại đất cát pha này rất tốt để trồng xoài cát Hòa Lộc. Tôi có 17 công đất lúa thì chuyển hết sang trồng xoài, dừa xen ổi, mãng cầu gai. Tuy mới trồng được gần 2 năm nhưng thấy cây cũng phát triển rất tốt, dự định tháng 3 năm sau sẽ cho xoài ra trái đợt đầu tiên. Ngoài ra, tôi còn dự định vài năm tới sẽ kết hợp làm thêm dịch vụ du lịch để giới thiệu cho du khách biết thêm về “miệt vườn nơi xứ lũ”.

Ngoài việc phát triển vườn cây ăn trái, để tận dụng diện tích vườn, nhiều nông dân còn trồng xen ớt, ổi, nuôi cá, trồng cỏ nuôi bò nhằm nâng cao thu nhập. Anh Dương Minh Hiếu ở ấp K9, xã Phú Đức quy hoạch 1ha đất trồng lúa sang trồng xoài cát Hòa Lộc được hơn 8 tháng tuổi. Ngoài trồng xoài, anh còn kết hợp trồng thêm cỏ voi để nuôi bò, đến nay đàn bò 6 con của anh được 7 tháng tuổi. Anh dự định 2 năm sau, khi xoài cho trái cũng là lúc 6 con bò con sẽ xuất chuồng cho thu hoạch luôn một thể. “Làm vườn ở đây phải làm kết hợp chăn nuôi thêm mới hiệu quả chứ làm 1 thứ thì không “ăn” - anh Hiếu nói.

Theo chú Võ Văn Đào - Giám đốc Hợp tác xã Tân Tiến (xã Phú Đức), vùng đất gò này thuộc ô bao số 24a của hợp tác xã quản lý. Trong tổng số hơn 600ha diện tích đất của ô bao thì có khoảng hơn 20ha đất gò, người dân đã chuyển sang trồng cây ăn trái. Theo chú Đào, từ năm 2010 trở lại đây, khi huyện đầu tư dự án đê bao chống lũ nâng sản xuất lên 3 vụ lúa, thấy vùng đất này sản xuất lúa không hiệu quả, song việc có đê bao vững chắc cũng thuận lợi cho việc trồng cây ăn trái nên những hộ dân nơi đây chuyển sang trồng những loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao như: xoài, ổi, dừa, ớt... Bên cạnh trồng vườn, họ còn tận dụng đất trong vườn cây ăn trái trồng xen các loại cây khác như cỏ, ớt cho thu nhập từ 20-25 triệu đồng/ha.

Theo nhiều hộ dân, so với trồng lúa thì trồng cây ăn trái hiệu quả cao hơn nhiều lần. Tuy nhiên, chi phí ban đầu cho chuyển đổi cũng khá cao, trung bình 1ha đất lúa chuyển sang trồng vườn phải mất từ 40-50 triệu đồng và phải chờ khoảng 3 năm sau mới bắt đầu lấy lại vốn. “Phải chờ 3 năm mới có thu hoạch nên việc chuyển đổi cây trồng cũng khá khó khăn. Nông dân cũng rất mong được Phòng Nông nghiệp huyện hỗ trợ về mặt kỹ thuật, vốn, đầu ra để nông dân mạnh dạn chuyển đổi. Bởi hiện nay phần lớn việc phát triển sang làm vườn chỉ ở mức tự phát, nông dân tự học hỏi kinh nghiệm sản xuất là chính” - chú Mai Văn Bé nói.

Theo ông Nguyễn Văn Thông - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông, vùng ô bao số 24a nằm trong quy hoạch vùng cánh đồng liên kết trồng lúa gắn với tiêu thụ của địa phương. Nên nếu một số người dân có nhu cầu chuyển dịch sang trồng các loại cây trồng khác thì phải gắn với quy hoạch này, đồng thời bà con cần tìm hiểu rõ nhu cầu thị trường để có hướng phát triển loại cây trồng hợp lý. Quan điểm Phòng Nông nghiệp cũng ủng hộ tinh thần mạnh dạn chuyển đổi cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng địa phương trên nhu cầu thực tế của người dân, tới đây Phòng sẽ nghiên cứu, xem xét các chính sách hỗ trợ, đồng thời mở các lớp tập huấn về kỹ thuật, giống, phân thuốc... cho bà con vùng này.

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn