Các ngành hàng chuyển biến tích cực

Cập nhật ngày: 18/08/2016 13:49:40

ĐTO - Sau 3 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từ những định hướng và giải pháp thiết thực của tỉnh đã giúp các ngành hàng chủ lực của đề án chuyển biến tích cực.


Sản xuất hoa kiểng gắn với du lịch nhằm nâng cao giá trị cho ngành hàng

Các ngành hàng chuyển biến tích cực

Nhận diện được “điểm khuyết” của ngành hàng lúa gạo, là do sản xuất manh mún, canh tác lạc hậu, thiếu tính liên kết với nhau, giá thành sản xuất cao nên dù đầu ra sản phẩm được giá thị trường tốt, nông dân vẫn không lời nhiều nên tỉnh xác định tái cơ cấu mặt hàng này tập trung vào công tác tổ chức lại sản xuất, áp dụng các biện pháp giảm giá thành, tạo ra sản phẩm mới từ phụ phẩm để nâng cao giá trị ngành hàng.

Thời gian qua, huyện Tháp Mười đã áp dụng mô hình hạ giá thành sản xuất lúa của Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân. Mô hình hướng dẫn bà con điều chỉnh tập quán sản xuất bằng việc sử dụng lượng giống gieo sạ, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, quản lý nước và phòng trừ sâu bệnh hợp lý... Thông qua mô hình giúp nông dân giảm 600 đồng/kg so với tập quán sản xuất cũ, nâng lợi nhuận lên 18,7 triệu đồng/ha.

Phân bón là yếu tố không thể thiếu trong sản xuất nhưng việc sử dụng phân bón thiếu kiểm soát khiến cho người nông dân phải tăng chi phí. Theo các nhà khoa học, lượng phân bón sử dụng thiếu kiểm soát thất thoát ra môi trường đến 50%. Sự xuất hiện của phân bón thông minh của Công ty Rynan Agrifoods, Tập đoàn Mỹ Lan vừa được thử nghiệm tại Hợp tác xã (HTX) Tiến Cường đã mang lại những kết quả bất ngờ, giảm trên 40% lượng phân bón và chi phí nhân công do phân chỉ bón 1 lần duy nhất trong suốt thời gian canh tác.

Xoài là một trong những mặt hàng của tỉnh có nhiều cơ hội phát triển, dễ thấy nhất là sản phẩm xoài có mặt tại cả những quốc gia khó tính. Tuy nhiên, khó khăn nhất là thiếu sản lượng cung ứng quanh năm, vì vậy ngành nông nghiệp tỉnh nhà triển khai thực hiện xoài rải vụ. Kết quả thực hiện rải vụ khắc phục được tình trạng rớt giá do sản lượng tập trung vào một thời điểm, giúp nhà vườn có thu nhập tốt hơn từ 10-20% so với thời điểm bình thường.

Đối với ngành hàng hoa kiểng, tỉnh đầu tư xây dựng Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao phần nào giải tỏa “cơn khát” về giống hoa kiểng chất lượng cho người dân. Ngoài ra, tỉnh cũng tổ chức cho cán bộ kỹ thuật và nông dân tham quan, học tập phương thức tổ chức sản xuất - kinh doanh, kỹ thuật canh tác hoa kiểng tại Hà Lan để góp phần phát triển ngành hoa kiểng. Không dừng lại ở sản xuất, tỉnh còn xây dựng cơ sở hạ tầng cho Làng hoa kiểng Sa Đéc phát triển du lịch, góp phần nâng cao giá trị cho ngành hàng hoa kiểng. Định hướng phát triển hoa kiểng gắn với du lịch đã hình thành thương hiệu “Thành phố Hoa Sa Đéc” trong bản đồ du lịch Việt Nam.

Sau 3 năm tái cơ cấu ngành hàng cá tra, kết quả nổi bật của ngành hàng này là ngành chức năng hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, người nuôi cá thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của từng thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, điểm cộng cho ngành hàng này là đã phát triển được nhiều sản phẩm giá trị gia tăng (dầu cá Ranee, colagen, genlatin), chế biến phế phẩm làm thức ăn chăn nuôi.

Thời gian đầu, ngành hàng vịt chuyển động khá chậm, tuy nhiên gần đây đã bắt đầu khởi sắc. Huyện Tháp Mười vừa xây dựng mô hình tổ hợp tác (THT) chăn nuôi vịt trứng vận hành theo chuỗi giá trị do Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May cung cấp nguyên liệu đầu vào và Doanh nghiệp Vĩnh Nghiệp (tỉnh Vĩnh Long) tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Nông dân trong THT được cung ứng thức ăn đảm bảo chất lượng, giảm giá thức ăn với mức 40.000 đồng/bao (25kg), giá bán trứng vịt trong chuỗi cao hơn giá trứng bên ngoài 200 - 300 đồng/trứng nên bà con khá phấn khởi. Trong thời gian tới, tỉnh phối hợp với Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ tiến hành xây dựng mô hình thí điểm chăn nuôi vịt thịt vận hành theo chuỗi giá trị tại huyện Cao Lãnh, phân khúc sản phẩm theo thị trường tiêu thụ, xác định giống vịt phù hợp với vùng nuôi.

Khai thác nội lực trong và ngoài

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh triển khai thực hiện thí điểm một số chính sách tạo đòn bẫy như: hỗ trợ 50% lãi suất tăng quy mô sản xuất và san phẳng đồng ruộng, thí điểm cử cán bộ các trạm ngành nông nghiệp huyện về làm phó giám đốc HTX, cho vay theo chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo và cá tra... Qua triển khai thực hiện các chính sách, bước đầu đã khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp và HTX, tạo điều kiện liên kết sản xuất và mở rộng quy mô, hiệu quả sản xuất. Riêng chính sách biệt phái cán bộ nông nghiệp hỗ trợ cho HTX đã góp phần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao trình độ quản lý và tổ chức sản xuất cho HTX.

Để nông nghiệp tỉnh nhà phát triển bền vững, Đồng Tháp đã vận dụng linh hoạt ngoại lực thông qua hợp tác quốc tế. Thời gian qua, tỉnh đã ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Phát triển nông nghiệp, nông thôn Hàn Quốc (KRC) thực hiện dự án hợp tác công - tư trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Ngoài ra, tỉnh còn phối hợp với Tổ chức sáng kiến phát triển sản xuất lúa gạo khu vực châu Á (GIZ) triển khai mô hình hợp tác công - tư trong liên kết chuỗi giá trị lúa gạo tại huyện Lấp Vò và huyện Tam Nông

Được sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đồng Tháp đã và đang triển khai thực hiện Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh Đồng Tháp do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Trong đó, Đồng Tháp tham gia ¾ hợp phần.

Trong khuôn khổ hợp tác giữa tỉnh Ibaraki (Nhật Bản) và Đồng Tháp, hai bên đã có những chuyến tham quan, trao đổi để thúc đẩy quan hệ hợp tác trong nông nghiệp và một số lĩnh vực khác. Trong tháng 7 vừa qua, Đoàn Ibaraki đến Đồng Tháp giới thiệu về nông nghiệp và quá trình phát triển HTX, công tác khuyến nông của tỉnh Ibaraki. Thông qua đó, HTX tỉnh nhà cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm bổ ích từ nước bạn trong việc giữ chữ tín trong liên kết sản xuất, chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình.

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn