Cần có chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng logistics

Cập nhật ngày: 09/08/2018 06:30:33

ĐTO - Theo UBND tỉnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có hệ thống các trung tâm logistics mà chỉ có một số dịch vụ logistics gắn với hoạt động của các cảng.


Hoạt động vận chuyển hàng hóa tại cảng Trần Quốc Toản

Cụ thể, Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã đầu tư xây dựng bến sà lan tại cảng Sa Đéc (TP.Sa Đéc) với quy mô tiếp nhận tàu, sà lan chở container lớn nhất loại 128 TEU (2.200 DWT). Với tổng diện tích mặt bằng 40.000m2, diện tích bãi 35.000m2, nơi đây đảm nhận thực hiện các dịch vụ bốc xếp hàng hóa (kể cả hoạt động bốc xếp container), lai dắt, cung cấp nước ngọt, nhiên liệu, thực phẩm cho tàu.

Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn còn đầu tư xây dựng bến sà lan tại cảng Trần Quốc Toản (TP.Cao Lãnh) với quy mô tiếp nhận tàu, sàn lan chở container lớn nhất loại 128 TEU (2.200 DWT). Các dịch vụ chính tại đây là bến lên xuống hàng hóa (cát, đá, sỏi, hàng hóa khác) với năng lực hàng hóa 100.000 tấn/năm.

Bên cạnh đó, DNTN Cảng Bảo Mai đầu tư khai thác cảng sông nội địa nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển và bốc dỡ hàng hóa, tiếp nhận phương tiện thủy của Việt Nam, nước ngoài và xếp, dỡ hàng hóa có trọng tải đến 3.000 tấn. Với tổng diện tích mặt bằng 30.000m2, diện tích kho 5.000m2 các dịch vụ chính tại đây là cho thuê mặt bằng bốc dỡ clin-ke, xi măng, tràm và các mặt hàng nông sản.

Theo UBND tỉnh, dự kiến đến năm 2025, Đồng Tháp xây dựng Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics của địa phương thông qua việc quy hoạch chi tiết các khu bến chính. Tỉnh sẽ nâng cấp khu bến Cao Lãnh, Sa Đéc, khu chuyển tải Vĩnh Xương - Thường Phước hiện có, tiếp nhận tàu có trọng tải đến 5.000 tấn. Duy trì khai thác 4 bến phao hiện hữu, đầu tư thiết lập mới 2 bến phao cho tàu trọng tải 5.000 tấn (tại Cao Lãnh và Sa Đéc) với năng lực thông qua đến năm 2020 là khoảng 1,6 - 2,25 triệu tấn/năm và năm 2030 khoảng 2,1 - 2,85 triệu tấn/năm.

Bên cạnh đó, tỉnh định hướng xây dựng mới khu bến Lấp Vò (trên sông Hậu) bao gồm cả đầu mối logistics sau cảng, định hướng tiếp nhận tàu 5.000 - 10.000 tấn. Nâng cấp cơ sở hạ tầng bến chuyên dùng xăng dầu Cao Lãnh hiện có, tiếp nhận tàu trọng tải đến 5.000 tấn với năng lực thông qua từ 0,5 - 0,6 triệu tấn/năm.

Riêng bến cảng khu vực Vĩnh Xương – Thường Phước, tỉnh xây dựng phương án triển khai các vị trí neo đậu, đáp ứng nhu cầu neo chờ, bốc dỡ hàng hóa, ứng phó thiên tai, bão lũ vùng cửa khẩu.

Ngoài ra, tỉnh cũng ban hành Kế hoạch về việc triển khai đầu tư phát triển kho bãi tại các cửa khẩu biên giới đến năm 2025. Cụ thể như kho ngoại quan tại cửa khẩu Thường Phước; kho bãi diện tích tại cửa khẩu Dinh Bà; đầu tư kho ngoại quan diện tích 25.000m2 tại cửa khẩu phụ Mộc Rá.

Bên cạnh đó, tỉnh còn đầu tư triển khai xây dựng các công trình giao thông trọng điểm đến năm 2020. Trong đó, tiến đến nâng cấp cải tạo mặt đường các tuyến Quốc lộ 30, QL54, QL80, N2 và đường Hồ Chí Minh. Đồng thời, nâng cấp các hệ thống cảng hiện có và xây dựng cảng mới tại khu vực sông Tiền và sông Hậu đạt chuẩn cho tàu 10.000 DWT trở lên thông qua. Quy hoạch hệ thống bến thủy nội địa cấp huyện, thị và các khu, cụm công nghiệp có khả năng tiếp nhận tàu – ghe trọng tải nhỏ, các tàu tự hành có tải trọng đến 200 DWT, sà lan có tải trọng đến 750 DWT.

Hướng đến sự phát triển hệ thống logistics, UBND tỉnh đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải - Bộ Giao thông Vận tải (TDSI), Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ và các nhà đầu tư về việc xây dựng chiến lược phát triển hệ thống logistics và cơ sở hạ tầng tại tỉnh Đồng Tháp.

Đồng Tháp đề nghị Bộ Giao thông Vận tải bổ sung tuyến đường thủy nội địa Mương Khai - Đốc Phủ Hiền vào danh mục hệ thống đường thủy nội địa quốc gia. Bên cạnh đó, Đồng Tháp đề nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh trong kêu gọi đầu tư trung tâm logistics tại TP.Sa Đéc, vùng ven tuyến đường N2B.

Ngoài ra, Trung ương đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến logistics, đặc biệt là thủ tục kiểm tra chuyên ngành; ban hành những cơ chế chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng logistics.

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn