Chuỗi giá trị, kỹ thuật công nghệ sau thu hoạch đối với ngành hàng xoài

Cập nhật ngày: 21/12/2019 18:59:41

ĐTO - Nhằm giúp cho nông dân, doanh nghiệp (DN) hiểu hơn về những quy định về chính sách nhập khẩu đối với sản phẩm xoài, từ đó có những điều tiết hợp lý trong canh tác và sản xuất, vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức buổi hội thảo chủ đề “Chuỗi giá trị, kỹ thuật công nghệ sau thu hoạch đối với ngành hàng xoài – nhãn gắn với phát triển sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Tháp”. Tham dự hội thảo có đại diện các sở, ngành tỉnh, Trung tâm kiểm dịch sau nhập khẩu II, đại diện các DN thu mua chế biến xoài và đông đảo nông dân trong tỉnh.


Nhà vườn trao đổi ý kiến với các diễn giả tại hội thảo

Theo ghi nhận của Cục Bảo vệ Thực vật, hiện nay sản phẩm xoài của Việt Nam đã được xuất khẩu đi 40 quốc gia trên thế giới, tuy nhiên, sản lượng xoài xuất khẩu vẫn còn rất hạn chế. Trung bình mỗi năm, Việt Nam sản xuất khoảng trên 788 ngàn tấn xoài nhưng chỉ có khoảng trên 4% trong tổng sản lượng này được xuất khẩu, còn lại khoảng 96% là tiêu thụ nội địa. Theo đánh giá dư địa về thị trường xuất khẩu đối với mặt hàng nông sản này còn rất lớn, tuy nhiên do ảnh hưởng nhiều nguyên nhân nên cho đến thời điểm hiện tại tổng sản lượng xuất khẩu của mặt hàng này vẫn còn hạn chế.

Phát biểu tại hội thảo, các DN xuất khẩu xoài cho biết, hiện nay thị trường nhiều nước trên thế giới có nhu cầu nhập khẩu lớn đối với sản phẩm xoài của Việt Nam. Đặc biệt là hai giống xoài: xoài cát Chu và xoài cát Cao Lãnh đang được trồng nhiều tại Đồng Tháp. Một trong những hạn chế hiện nay khiến cho sản lượng xoài xuất khẩu còn thấp là do chất lượng xoài xuất khẩu chưa được kiểm soát đồng nhất, tỉ lệ hao hụt cao, giá thành của xoài Việt Nam vẫn còn cao so với xoài của nhiều quốc gia khác. Để cải thiện tình hình này, nhiều DN cho rằng, cần nâng chất lượng cho xoài xuất khẩu.

Để làm được điều này, theo các DN cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền địa phương, nhà khoa học và người nông dân. Cụ thể, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ song song như: chọn giống xoài phù hợp với nhu cầu của thị trường xuất khẩu, quản lý chặt chẽ quy trình canh tác đặc biệt cần chẩn hóa và áp dụng công nghệ trong khâu sơ chế và bảo quản sau thu hoạch…

Tại hội thảo, nhiều nông dân cũng bày tỏ những thắc mắc về chính sách nhập khẩu xoài của một số thị trường lớn, một số quy định bắt buộc về mã số vùng trồng khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc…các thắc mắc của nông dân đều được các nhà khoa học, ngành nông nghiệp, DN nhiệt tình giải đáp.

Dịp này, Trung tâm kiểm dịch sau nhập khẩu cũng thông tin về những quy định về chính sách nhập khẩu đối với một số thị trường lớn như: Mỹ, EU, Trung Quốc, hàn Quốc, Nhật Bản; một số ứng dụng về công nghệ bảo quản nông sản sau thu hoạch...

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn