Đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp

Cập nhật ngày: 15/08/2021 13:15:46

ĐTO - Nông nghiệp được xem là lĩnh vực nền tảng, trụ đỡ của nền kinh tế tỉnh nhà. Nhằm nâng cao giá trị ngành nông nghiệp, thời gian qua, Đồng Tháp đẩy mạnh chuyển đổi số trên lĩnh vực này. Đồng thời kỳ vọng đưa Đồng Tháp trở thành địa phương đứng đầu cả nước về chuyển đổi số trong nông nghiệp.


Mô hình “Cây cam vườn tôi” giúp nông dân tiếp cận với nhiều phân khúc khách hàng mới. 
Ảnh: Mỹ Nhân

Thời gian qua, Đồng Tháp nỗ lực xây dựng chiến lược về chuyển đổi số với 3 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số với lộ trình cụ thể và tạo cơ chế thông thoáng, ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Tỉnh xác định chuyển đổi số trong nông nghiệp là hướng đi tất yếu và phù hợp với xu hướng của thế giới. Đây còn là nền tảng để nông sản Đồng Tháp vươn xa trên thị trường quốc tế. Hiện Đồng Tháp có nhiều tiềm năng, lợi thế để thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, nhất là Đề án Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.

Từ thực tế cho thấy, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích như dự báo nhu cầu thị trường chính xác; nguồn cung sản phẩm; giảm thiểu chi phí sản xuất; tối ưu chi phí phân bón, tưới tiêu. Đặc biệt, chuyển đổi số còn giúp hoàn thành những công việc con người khó thực hiện được như giám sát tình trạng cây trồng, vật nuôi một cách liên tục, phân tích diện rộng tình hình thời tiết, độ ẩm, sâu bệnh... Thông qua việc chuyển đổi số trong nông nghiệp còn tạo ra nhiều giá trị gia tăng, truy xuất nguồn gốc, theo dõi quá trình tăng trưởng, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu, đưa nông sản Đồng Tháp đến tay người tiêu dùng nhanh chóng, an toàn với giá cả hợp lý.

Với quyết tâm trở thành địa phương đứng đầu cả nước về chuyển đổi số trong nông nghiệp, Đồng Tháp bước đầu ứng dụng một số công nghệ thông minh trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó, giúp giảm công lao động, chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, có đầu ra ổn định, tăng thu nhập cho người dân, tạo được vùng nguyên liệu chất lượng.


Áp dụng mạng lưới giám sát rầy thông minh tại Hợp tác xã Mỹ Đông 2.
Ảnh: Khánh Duy

Thời gian qua, trên lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh triển khai ứng dụng phần mềm báo cáo dịch bệnh trực tuyến VAHIS trong báo cáo dịch bệnh trên đàn vật nuôi; ứng dụng phần mềm Quantum GIS trong phân tích, đánh giá tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, xây dựng bản đồ dịch tễ làm cơ sở để tham mưu các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên toàn tỉnh; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quảng bá nông sản qua mô hình kinh doanh “Cây xoài nhà tôi”, “Cây cam vườn tôi” giúp nông dân tiếp cận hiệu quả với nhiều phân khúc khách hàng mới, giúp gia tăng giá trị cây ăn trái. Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ được áp dụng mở ra hướng tiếp cận mới cho nông dân và thích ứng với biến đổi khí hậu...

Với những kết quả đạt được bước đầu của việc chuyển đổi số trong nông nghiệp tạo cú hích quan trọng đưa nông nghiệp tỉnh nhà phát triển nhưng chưa nhiều. Việc thích ứng với kinh tế số để vận dụng trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới hiện nay vẫn còn là nhiều thách thức.

Trong thời gian tới, để thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, tỉnh cần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh trong nền kinh tế. Đồng thời ứng dụng chuyển đổi số trong việc xây dựng hệ thống dữ liệu ngành nông nghiệp nhằm lưu trữ, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước và nhu cầu khai thác của doanh nghiệp; thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số.... Để mang lại kết quả cao, cần có sự thay đổi và quyết tâm phối hợp thực hiện của người dân.


Mô hình trồng lúa đen theo hướng hữu cơ ở huyện Cao Lãnh. 
Ảnh: Nhật Khánh

Bên cạnh đó, tăng cường liên kết, hợp tác trong sản xuất, gắn sản xuất, chế biến với thị trường; đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác để củng cố kinh tế hộ; tăng cường liên kết, lấy doanh nghiệp dẫn dắt hình thành các chuỗi giá trị ngành hàng nông sản cũng như định hướng tiêu chuẩn sản xuất theo yêu cầu tiếp cận thị trường. Tiếp tục cải tiến và phát triển chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các ngành hàng chủ lực của tỉnh, hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp bằng công nghiệp phụ trợ và công nghiệp chế biến nông sản; tăng cường xúc tiến thương mại, tổ chức lại và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu.

Ngoài ra, tỉnh cần tiếp tục triển khai và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và sự suy giảm số lượng, chất lượng nguồn nước. Ứng dụng số hóa tại các hợp tác xã và các thành viên hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng ngành hàng cụ thể để tham gia các nền tảng (platform) giúp kết nối cung - cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Mặt khác, phát triển dịch vụ phục vụ nông nghiệp, kinh doanh nông sản, thực hiện tốt các chương trình hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước, ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ sinh học. Đồng thời thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có quy mô lớn, làm nòng cốt tác động chuyển đổi phương thức sản xuất và liên kết tiêu thụ, chế biến nông sản tập trung.

Song song đó, đẩy mạnh thu hút các dự án có hàm lượng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường vào sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy sự liên kết giữa các tổ chức, đơn vị nghiên cứu khoa học và công nghệ, các trường đại học, cao đẳng với cộng đồng doanh nghiệp.

Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các trường đại học, cao đẳng, trung tâm nghiên cứu, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đổi mới công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; tạo môi trường, điều kiện làm việc thuận lợi, thực hiện hiệu quả chính sách đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ khoa học và công nghệ; quan tâm các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, thực hiện chế độ đãi ngộ đối với những người có sáng tạo trong lao động...

PHẠM NGỌC HÒA

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn