Nông dân tìm đầu ra cho nông sản thông qua mạng xã hội
Cập nhật ngày: 12/08/2021 05:48:25
ĐTO - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến việc vận chuyển, cung ứng hàng hóa giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh. Ứng phó với khó khăn này, nhiều nông dân đã tìm cách đưa nông sản lên mạng xã hội kết nối với người tiêu dùng, giúp giảm các khâu trung gian. Sự nhạy bén trong khai thác lợi thế công nghệ thông tin đã giúp nông dân giải tỏa phần nào áp lực trong khâu tiêu thụ sản phẩm.
Nhờ công nghệ thông tin, nông dân ngày càng tiếp cận được nhiều kênh bán hàng hiện đại
Những ngày này, chỉ cần nhấp chuột vào các trang mạng xã hội phổ biến như Facebook, Zalo, nhiều người không khó để tìm được những hội nhóm mua bán nông sản với hàng ngàn thành viên tham gia. Các hội nhóm như: Địa điểm Lai Vung; Điểm đến Lấp Vò; Lấp Vò xóm tui; Mua bán chợ Lai Vung; Chợ Sa Đéc; Châu Thành quê hương tôi; Hội những người ở Cái Tàu Hạ, Châu Thành... có hàng ngàn lượt tương tác mỗi ngày. Khi tham gia các trang mạng này, chỉ cần nhấn đăng ký tham gia, người mua và bán có thể tìm mua hoặc rao bán bất kỳ mặt hàng nông sản nào.
Nhiều nông dân vốn chỉ quen với việc chăm sóc vườn, ít tiếp xúc với các kênh bán hàng hiện đại thì nay phải bắt đầu tìm hiểu phương thức bán hàng qua mạng xã hội. Chị Trần Thị Chúc Linh ngụ ấp Phú Thành, xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ cho vườn chôm chôm 4.000m2 của gia đình. Chị Linh chia sẻ: “Mọi năm, gần đến mùa thu hoạch chôm chôm là thương lái khắp nơi đến xem, đặt mua, có ngày xuất bán gần cả tấn sản phẩm. Năm nay, thương lái không thể trực tiếp đến thu mua khiến đầu ra sản phẩm gặp khó. Trước những khó khăn, mấy ngày qua, tôi đã tận dụng kênh Facebook, Zalo để tìm đầu ra cho sản phẩm. Ban đầu, khi đăng bài viết lên Facebook, Zalo chỉ có vài chục người vào xem bài viết, bình luận, nhưng sau đó tôi chủ động đăng bài trên các trang có đông lượng người theo dõi như: Hội những người ở Cái Tàu Hạ, Châu Thành; Chợ Sa Đéc; Mua bán rao vặt Châu Thành... thì nhận được nhiều lượt người đăng ký mua hàng. Đến nay, với giá bán 10.000 đồng/kg, mỗi ngày tôi có thể bán ra thị trường khoảng 100kg chôm chôm”.
Tương tự, hộ gia đình bà Trần Thị Cẩm Nguyệt ngụ khóm 4, thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung đang vào mùa thu hoạch cam, quýt, nấm rơm, bắp nếp... nhưng khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra. Qua lời hướng dẫn của người thân, bà Nguyệt bắt đầu học cách bán hàng thông qua mạng xã hội. Ban đầu chỉ là đăng hình ảnh lên trang Facebook, Zalo cá nhân. Sau đó, bà tiếp cận các trang hội nhóm có đông lượt người tham gia. Bà Nguyệt cho biết: “Bên cạnh việc tiêu thụ nông sản của gia đình, tôi còn hỗ trợ các hộ nông dân lân cận tiêu thụ sản phẩm. Khi họ thu hoạch sẽ mang đến nhà và tôi sẽ hỗ trợ họ giới thiệu, đăng hình ảnh, video các loại nông sản kèm theo giá niêm yết rõ ràng trên mạng xã hội để khách hàng yên tâm lựa chọn. Thông qua đó, người mua có thể tận mắt nhìn thấy sản phẩm để đánh giá chất lượng; trực tiếp thỏa thuận giá cả từng loại nông sản và tiến hành giao dịch. Vì không qua thương lái, nên khách hàng không bị mất thêm chi phí trung gian. Trung bình, mỗi ngày, tôi có vài đơn hàng tiêu thụ được khoảng 50kg nông sản các loại”.
Nhờ chăm chỉ đăng bán hàng trên mạng xã hội nên bà Huỳnh Thị Ngọc Dung ngụ xã Định An, huyện Lấp Vò đã phần nào giải quyết vấn đề đầu ra cho vườn nhãn hơn 2.000m2 của gia đình. “Nhờ người quen hướng dẫn, tôi bắt đầu học cách bán hàng qua mạng xã hội. Không chỉ trên Facebook, tôi bán hàng qua cả Zalo để thêm kênh tương tác. Qua đó, tôi bán nhãn cho khách mua buôn lẫn khách mua lẻ. Vì nếu không qua thương lái, khách hàng sẽ được mua với giá tận vườn. Mỗi ngày, lượng khách tuy không nhiều nhưng đều đặn giúp tôi tiêu thụ sản phẩm”- bà Dung chia sẻ
Theo Sở Công Thương Đồng Tháp, thời gian qua, để hỗ trợ tiêu thụ nông sản, ngành công thương phối hợp các địa phương, đơn vị liên quan rà soát tình hình các loại nông sản còn tồn đọng, chưa tiêu thụ trên địa bàn nhằm giới thiệu đến các nhà phân phối, thu mua nông sản. Cụ thể như: Big C, Bách Hóa Xanh, Sài Gòn Co.op, Aeon Citimart, Lottemart, Vincom hay các điểm bán hàng lưu động tại TP Hồ Chí Minh; các kênh thương mại điện tử như: Postmart, Voso, Shopee, Sendo, Lazada... Bà Võ Phương Thủy - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Thời gian qua, cùng với hỗ trợ của cơ quan chức năng và doanh nghiệp, ngoài tiêu thụ trên các kênh truyền thống, việc nông dân đưa các sản phẩm nông sản lên các trang mạng xã hội được xem là sự thích ứng cần thiết để tiêu thụ nông sản trong thời điểm khó khăn. Trong thời gian tới, bên cạnh duy trì kết nối với các kênh tiêu thụ thông qua các nhà phân phối trực tiếp, ngành công thương sẽ phối hợp các sở, ban, ngành tỉnh hỗ trợ nông dân đẩy mạnh phân phối nông sản thông qua kênh thương mại điện tử hiện đại như: Voso, Postmart... Bên cạnh đó, hỗ trợ nông dân bán hàng thông qua phương thức livestream trực tuyến”.
TRANG HUỲNH