Đồng Tháp chú trọng phát triển nhãn hiệu đối với nông sản đặc thù

Cập nhật ngày: 13/12/2018 05:59:23

ĐTO - Là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp với nhiều sản phẩm đặc trưng, thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp triển khai nhiều giải pháp phát triển sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, xu thế chung của thị trường hiện nay đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, vì vậy, công tác xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện.


Quýt hồng Lai Vung là 1 trong 15 sản phẩm, nhóm sản phẩm nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. 
Ảnh: T.VY

Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả tích cực, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội. Sự phát triển của các làng nghề hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa rất lớn trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Tuy nhiên, trong xu thế chung của thị trường hiện nay, nhất là khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, ngày càng hội nhập sâu rộng kinh tế thế giới thì vấn đề đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm hàng hóa trên đang được quan tâm đẩy mạnh. Thương hiệu, nhãn hiệu không chỉ là tập hợp các yếu tố xác định và phân biệt sản phẩm, đảm bảo sức cạnh tranh, tiêu thụ sản phẩm mà nó thực sự trở thành nguồn vốn, tài sản có giá trị cho phát triển bền vững, giúp sản phẩm cạnh tranh ở thị trường trong nước và vươn ra thị trường quốc tế.

Đối với tỉnh Đồng Tháp, việc hỗ trợ tạo lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm hàng hóa đặc thù của tỉnh trong những năm qua đã được tỉnh quan tâm, đẩy mạnh. Toàn tỉnh hiện có 15 sản phẩm, nhóm sản phẩm nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu như: xoài cát chu Cao Lãnh, xoài Cao Lãnh, quýt hồng Lai Vung, sen Tháp Mười, nhãn Châu Thành, rau an toàn Long Thuận... Lập thủ tục, hồ sơ đăng ký tại Cục sở hữu trí tuệ cho 15 nhãn hiệu và 1 chỉ dẫn địa lý đang lập hồ sơ đăng ký xác lập quyền (chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài)...

Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng đã làm tăng giá trị đối với các sản phẩm được bảo hộ, tạo hàng hóa có tính thương mại và cạnh tranh cao. Sản phẩm xoài cát chu Cao Lãnh sau khi được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hỗ trợ thực hiện xây dựng chỉ dẫn địa lý. Và, đặc biệt từ khi được dán tem, nhãn và xuất sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Trung Quốc... giá trị sản phẩm xoài đã tăng lên gấp nhiều lần, qua đó mang lại thu nhập cao và ổn định cho người dân vùng trồng xoài.

Sản phẩm sen Tháp Mười sau khi xây dựng nhãn hiệu đã ban hành các quy chế cấp và thu hồi sử dụng, quy chế kiểm tra, kiểm soát cho sản phẩm, đặc biệt là việc ban hành bộ chỉ tiêu liên quan đến chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu. Qua đó, phát huy tốt vai trò của nhãn hiệu trong việc giữ gìn và phát huy thế mạnh của đặc sản bản địa.

Đối với nhãn hiệu tập thể “Rau an toàn Long Thuận” sau khi xây dựng nhãn hiệu, chủ sở hữu đã quan tâm đến công tác phát triển nhãn hiệu và kiểm soát chất lượng sản phẩm thông qua việc xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu như bao bì, biển quảng cáo, đăng ký mã số, mã vạch, xây dựng và áp dụng quy trình thực hiện sản xuất nông nghiệp tốt – VietGAP... Đến nay HTX đã được cấp giấy chứng nhận cho 3,7ha đạt chứng nhận VietGAP, đồng thời đang thực hiện xây dựng, đăng ký chứng nhận cho 10ha diện tích.

Hiện nay, Sở KH&CN đã và đang tiếp tục hỗ trợ các địa phương đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là phát triển mặt hàng chủ lực của địa phương cả về số lượng và chất lượng. Đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và triển khai các dự án bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm đặc thù của địa phương.

Theo lãnh đạo Sở KH&CN, việc tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu nông sản của tỉnh là một trong những hướng đi trọng tâm rất cần thiết và mang lại hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng tập trung. Do đó để công tác tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu đạt được thành công, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp...về vai trò của sở hữu trí tuệ đối với sản xuất và thương mại sản phẩm hàng hóa. Đặc biệt là hỗ trợ tạo lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm hàng hóa truyền thống, đặc thù của tỉnh, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế và thu nhập cho người nông dân.

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn