Hiệu quả từ mô hình Câu lạc bộ “Những người sản xuất kinh doanh có trách nhiệm” ở huyện Cao Lãnh

Cập nhật ngày: 11/07/2019 10:39:26

ĐTO - Ông Huỳnh Thanh Sơn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lãnh cho biết, mô hình Câu lạc bộ “Những người sản xuất kinh doanh có trách nhiệm” trên địa bàn huyện Cao Lãnh” hoạt động mang lại nhiều kết quả thiết thực.


Người dân xã Bình Thạnh (huyện Cao Lãnh) tham gia Tổ hợp tác sản xuất xoài theo hướng an toàn

Ông bà xưa có câu “Ăn no, mặc ấm”, bây giờ yêu cầu người tiêu dùng ngày càng cao là “Ăn ngon, mặc đẹp”, đây cũng là triết lý tiêu dùng của xã hội hiện đại. Hàng năm, theo ghi nhận của Bộ Y tế có hàng trăm ca ngộ độc thực phẩm dẫn đến các hệ lụy đáng sợ về sau như: bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, ung thư... Do đó, vấn đề sản phẩm sạch đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm (nông sản được sản xuất theo hướng an toàn) đang được người tiêu dùng quan tâm.

Nhằm đưa đến người dùng một cách nhìn nhận khách quan về quan niệm “sạch”, quảng bá hình ảnh địa phương, xây dựng thương hiệu nông sản an toàn, sản xuất bằng cái tâm, có trách nhiệm với cộng đồng, bằng sự nỗ lực và nhận thức của những người sản xuất - kinh doanh, từ đó Câu lạc bộ “Những người sản xuất kinh doanh có trách nhiệm” ở huyện Cao Lãnh chính thức thành lập vào tháng 2/2018 và họp định kỳ vào ngày 6 hàng tháng tại UBND huyện Cao Lãnh.

Các thành viên tham gia Câu lạc bộ trên tinh thần tự nguyện, không đóng phí. Đến nay, CLB có 46 thành viên với hơn 100 sản phẩm nông nghiệp từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đóng trên địa bàn huyện Cao Lãnh và TP.Cao Lãnh. Hoạt động của Câu lạc bộ nhằm chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp sản phẩm, những ý kiến sáng tạo, nêu lên những khó khăn, những thuận lợi tại các cuộc họp có sự tham gia của lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện cùng các phòng chuyên môn nhằm giải đáp những thắc mắc cho các thành viên.

Mỗi thành viên đều có trách nhiệm như nhau: cùng kêu gọi đầu tư, mời gọi các nhà chuyên môn, chuyên gia, các thành phần kinh tế cùng tham gia trong chuỗi sản xuất và kinh doanh các vấn đề tư vấn hình ảnh, marketting, cung ứng và phân phối sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Mỗi thành viên cùng bảo vệ quyền lợi cho nhau, cùng nhau phát triển thương hiệu địa phương qua các cách làm, sản xuất, phân phối và hỗ trợ cho nhau khi cần thiết.

Trong hơn 1 năm thành lập, CLB đã có những bước tiến đáng kể trong nhận thức sản xuất kinh doanh. Cụ thể: các thương hiệu Xoài Cao Lãnh, Ổi lê Mỹ Hiệp, Cá Diêu hồng Bình Thạnh, Hoangquan food, trái cây sấy nhiệt, gạo sạch Cao Lãnh... đang có thị trường rộng trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, CLB cũng tham gia hơn 100 cuộc trưng bày ở các hội chợ, diễn đàn kinh tế; tham quan các tập đoàn lớn như: Tập đoàn Quế Lâm, chợ đầu mối Dầu Giây, chợ đầu mối Thủ Đức, Vingroup, Big C, Coop mart...

CLB kết nối với các trường cao đẳng, đại học, các viện nghiên cứu nhằm hỗ trợ cho Câu lạc bộ về thiết kế hình ảnh, nhận thức sản xuất kinh doanh, ứng dụng khoa học tiến bộ vào sản xuất. Đồng thời phối hợp các phòng chuyên môn xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh có truy xuất nguồn gốc, hướng dẫn kỹ thuật cho từng thành viên, hội viên, vận động phong chào khởi nghiệp tại địa phương.

Theo Ban Chủ nhiệm CLB, hướng tới, CLB sẽ tiếp tục thiết kế bao bì, nhãn mác cho các sản phẩm chưa hoàn thiện, hỗ trợ thành viên về xây dựng thương hiệu cho từng sản phẩm, kết nối với các tập đoàn kinh tế, chuyên gia, trường đại học nhằm xúc tiến thương hiệu địa phương, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho từng thành viên, áp công nghệ cao vào sản xuất, sử dụng công cụ bán hàng online. Tiến hành rà soát lại các sản phẩm, nhận thức sản xuất, xây dựng tiêu chuẩn lại từng thành viên nhằm tiến tới thành lập Chi hội Doanh nghiệp trẻ huyện Cao Lãnh.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn