Hỗ trợ tạo đầu ra cho sản phẩm nhãn Châu Thành
Cập nhật ngày: 21/07/2021 10:23:16
ĐTO - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nông dân canh tác nhãn tại huyện Châu Thành lo lắng khi chuẩn bị thu hoạch rộ. Trước thực tế khó khăn này, chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn đã đưa ra giải pháp để tiêu thụ, góp phần giúp nông dân yên tâm, vừa sản xuất, vừa đảm bảo phòng, chống dịch.
Nhãn đã chín rộ nhưng thương lái đến thu mua rất ít do ảnh hưởng của dịch Covid-19
Tiêu thụ nhãn gặp khó
Theo UBND huyện Châu Thành, trong năm 2021, diện tích nhãn trên địa bàn huyện khoảng 3.660ha, sản lượng ước đạt 55.119 tấn. Tuy nhiên, địa phương đang thực hiện cách ly xã hội nên việc tiêu thụ nhãn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong tháng 7 và tháng 8 sẽ có hơn 4.700 tấn nhãn đến lúc thu hoạch.
Thời điểm giữa tháng 7, ấp An Phú là 1 trong 3 ấp thuộc xã An Nhơn, huyện Châu Thành đang phải phong tỏa do có các ca mắc Covid-19. Vừa đi thăm vuờn, ông Hồ Thiện Quân ngụ ấp An Phú, xã An Nhơn, vừa lo lắng cho 3 công trồng nhãn của gia đình đang chín nhưng thương lái ra giá mua quá thấp. Ông Quân nói: “Mỗi năm, nông dân như tôi hi vọng có một mùa nhãn, thế nhưng mấy hôm gần đây phải chịu cảnh khó khăn khi thương lái không thể đến thu mua. Chờ mòn mỏi, thương lái liên hệ mua thì họ chỉ đồng ý với giá 7.000 - 8.000 đồng/kg, không bằng phân nửa so với năm trước. Song, dù giá thấp hay cao, tôi cũng vẫn phải bán chứ để nhãn chín trên cây rồi rụng hư còn đau lòng hơn”.
Hộ bà Nguyễn Thị Kim ngụ xã An Nhơn cũng không khởi sắc hơn. Mặc dù đất canh tác gia đình bà Kim không nằm trong khu vực phong tỏa nhưng các thương lái quen biết vẫn “bặt vô âm tín” khiến bà Kim rất lo lắng về đầu ra. Bà Kim cho biết: “Mấy năm trước, thương lái vào tận vườn mua, giá cả rất hợp lý, nhưng năm nay bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên không thấy có người đến mua. Bây giờ nhãn của tôi và nhiều hộ trồng khác đang chín rộ, nếu không hái nhanh khi gặp mưa gió lớn sẽ bị rụng. Để thích ứng với khó khăn hiện tại, từ đầu vụ đến nay, tôi toàn phải cắt nhãn đi bán lẻ ở các chợ nhưng chỉ mới bán được vài trăm ký, giờ vẫn còn phân nửa sản lượng đang không biết làm sao tiêu thụ được”.
Còn theo ông Huỳnh Hữu Thuận - Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông sản an toàn An Hòa, dịch Covid-19 ảnh hưởng khiến đầu ra cho nhãn gặp khó khăn. Vì vậy, đơn vị đã chủ động liên hệ lại các mối lái, doanh nghiệp nhằm tạo đầu ra cho các thành viên. Đến nay, đơn vị đã liên hệ được với các doanh nghiệp thu mua với sản lượng khoảng 10 - 12 tấn sản phẩm nhãn tươi mỗi ngày. Ngoài ra, một doanh nghiệp còn đặt vấn đề thu mua nhãn sơ chế sẵn khoảng 500kg - 1 tấn/ngày.
Ông Phan Thanh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết: “Hiện tại, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên tại các vùng trồng nhãn, nhất là khu vực phong tỏa phải chịu thiếu hụt nhân công lao động thực hiện các công việc như: thu hoạch, bốc xếp, sản xuất. Trong khâu vận chuyển, các xe chở nông sản khi lưu thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ phải tuân thủ kiểm dịch, kiểm tra nhiều tại các chốt. Trong khi đó, trái nhãn có tính thời vụ, tiêu thụ ngắn ngày nên ảnh hưởng thời gian vận chuyển đến các đơn vị, doanh nghiệp thu mua. Cùng với đó, một số thương lái thu mua bằng đường thủy thì không được cấp phép vận chuyển. Ngoài ra, vẫn còn các diện tích trồng, nông dân chủ yếu bán nhãn thông qua thương lái theo kiểu truyền thống khiến giá trị sản phẩm bị ảnh hưởng...”.
Gỡ khó cho nông dân trồng nhãn
Trước tình hình dịch bệnh, UBND huyện Châu Thành đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ cho sản phẩm nhãn. Trong đó, chủ động phối hợp Sở Công Thương kết nối các doanh nghiệp, đối tác thu mua để điều phối nguồn hàng đảm bảo số lượng, đáp ứng kịp thời việc tiêu thụ nhãn phù hợp với tình hình dịch bệnh; tham mưu đề xuất Sở Giao thông Vận tải hỗ trợ, thông tuyến, phân luồng giao thông, tạo điều kiện cho phương tiện, tài xế vận chuyển nhãn tiêu thụ và đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định.
Về vận chuyển nhãn, huyện liên hệ với các đơn vị liên quan tạo điều kiện cho người, phương tiện vận chuyển nhãn của tỉnh đi qua các địa bàn, đến nơi tiêu thụ (người tham gia, phương tiện vận tải đã áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế); rà soát các đơn vị cung ứng dịch vụ vận tải, thông tin hỗ trợ cho UBND các xã có nhu cầu trong vận chuyển nhãn trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp...
Trước những khó khăn của nông dân trồng nhãn, bà Võ Phương Thủy - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Những ngày qua, để hỗ trợ cho việc tiêu thụ nhãn, ngành công thương đã chủ động liên hệ với nhiều kênh phân phối, tiêu thụ, các sàn thương mại điện tử và doanh nghiệp xuất khẩu. Trong đó, các công ty xuất khẩu đang rất cần nguồn hàng khoảng 1.000 tấn/tháng và đạt tiêu chuẩn, bán sang các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đồng thời kết nối với Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh nhằm mang sản phẩm nhãn về bán tại các điểm lưu động. Ngoài ra, ngành công thương cũng đứng ra liên kết với Hội Doanh nhân trẻ, Hội phụ nữ, Tỉnh đoàn phối hợp làm chuyến xe nông sản đưa sản phẩm nhãn đến các tỉnh, thành phố nhằm đa dạng hóa đầu ra cho nông dân...”.
Tại buổi làm việc với UBND huyện Châu Thành trong ngày 16/7 về hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm nhãn, ông Lê Quốc Phong - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết: “Hiện tại, tuy là rất khó khăn nhưng chúng ta cần nhìn rõ từ cách giải quyết của tỉnh Bắc Giang thời điểm địa phương này là tâm dịch căng thẳng nhưng họ có sự quyết tâm hỗ trợ nông dân tiêu thụ 200 ngàn tấn vải thiều và trở thành kỳ tích. Đây là tình huống đòi hỏi chính quyền địa phương và nông dân phải thay đổi phương thức tiêu thụ trong bối cảnh dịch bệnh”.
Vì vậy, trước những khó khăn sắp phải đối diện, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong yêu cầu huyện Châu Thành phải rà soát chi tiết hơn nữa về số lượng, diện tích, phân bổ thời điểm thu hoạch và nắm được những tiêu chuẩn của doanh nghiệp tiêu thụ về chất lượng nhãn nhằm có sự tổ chức phân loại, cung ứng. Đồng thời tổ chức lực lượng tại chỗ hỗ trợ nông dân thu hoạch, đóng gói, vận chuyển nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện phòng dịch...; khuyến khích nông dân liên hệ lại với các mối lái truyền thống nhằm tạo sự đa dạng tiêu thụ.
Với các sở, ngành, ông Lê Quốc Phong yêu cầu tìm cách tăng cường quảng cáo sản phẩm nhãn Châu Thành thông qua phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường phát triển sản phẩm trên kênh thương mại điện tử. Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến, làm việc với các kênh phân phối lớn như: chợ đầu mối, siêu thị Big C, Bách hóa Xanh, Co.opmart...; phải tạo điều kiện tốt nhất cho việc tạo luồng xanh cho xe vận tải di chuyển hàng hóa...
Trang Huỳnh