Phân bón thông minh

Không chỉ là hiệu quả kinh tế

Cập nhật ngày: 04/08/2016 05:41:22

ĐTO - Việc sử dụng phân bón thiếu kiểm soát đang gây lãng phí lớn trong sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Sự xuất hiện của “phân bón thông minh” do Công ty Rynan Agrifoods sản xuất vừa được sử dụng thử nghiệm tại Hợp tác xã (HTX) Tiến Cường (xã Phú Cường, huyện Tam Nông) mở ra hướng đi mới cho người nông dân với mong muốn tăng chất lượng gạo, giảm chi phí sản xuất...

Giảm trên 40% lượng phân bón

Theo ông Nguyễn Thành Tài, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đồng Tháp có diện tích sản xuất lúa hàng năm khoảng 500.000ha, sản lượng 3,3 triệu tấn. Với diện tích trên, lượng phân bón sử dụng cho cây lúa tương đương trên 200.000 tấn/năm.

Tuy nhiên, theo thống kê của các nhà khoa học, thực trạng nông dân sử dụng phân bón thiếu kiểm soát làm thất thoát khoảng 50% lượng phân đạm, 60% lân và 50% kali. Theo tính toán này thì nông dân Đồng Tháp sẽ phải mất 100.000 tấn phân bón/năm. Đây cũng là yếu tố khiến người nông dân giảm lợi nhuận cuối vụ. Ngoài tổn thất về kinh tế, lượng phân bón không được cây lúa hấp thụ triệt để bị rửa trôi, bốc hơi phát tán ra môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.


Tham quan ruộng lúa sử dụng phân bón thông minh

Nhằm giúp bà con nông dân tỉnh nhà giảm chi phí sản xuất, tiến tới sản xuất hiện đại, Công ty Rynan Agrifoods, Tập đoàn Mỹ Lan đã nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm phân bón thông minh (tan chậm) vừa được sử dụng thử nghiệm với diện tích 1ha tại HTX nông nghiệp Tiến Cường.

Điểm nổi bật của phân bón thông minh là nông dân chỉ cần bón phân một lần trong suốt quá trình canh tác (khâu làm đất), thay vì họ phải bón phân từ 4-5 lần/vụ. Phân được vùi vào đất sau 10 ngày bắt đầu vỡ bỏ lớp bọc nano để cung cấp dinh dưỡng cho cây và đây cũng là thời gian lúa bắt đầu cần nguồn dưỡng chất từ bên ngoài.

Ông Nguyễn Bá Luận - xã viên HTX Tiến Cường là một trong những nông dân tham gia mô hình này chia sẻ: “Ban đầu tham gia mô hình tôi cũng khá trăn trở bởi lượng phân bón cung cấp cho cây lúa quá ít, chỉ 1 lần duy nhất. Trên thực tế, nếu cây lúa không đủ dinh dưỡng chắc chắc sẽ cho năng suất thấp. Tuy nhiên, điều trái ngược là năng suất cuối vụ không chỉ đảm bảo mà còn cao hơn từ 5-10% so với cách bón phân truyền thống. Điều quan trọng nhất là lượng phân bón giảm trên 40% (nghiệm thức sử dụng phân bón thông minh tỷ lệ đạm, lân, kali lần lượt là 60-46-39 so với nghiệm thức truyền thống bà con thường sử dụng tỷ kệ 120 đạm, 80 lân, 60 kali).

Theo ông Vũ Anh Pháp - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long thì ngoài điểm ưu việt về kinh tế, phân bón thông minh còn giúp cây sử dụng dinh dưỡng triệt để nên tỷ lệ phân bón thất thoát ra môi trường ít, góp phần làm giảm thiểu tình trạng hiệu ứng nhà kính hiện nay.

Tiến đến sản xuất thông minh

Sau quá trình thử nghiệm phân bón thông minh, đa số bà con nông dân tham quan nhận thấy ưu điểm nổi trội của sản phẩm, nhưng nông dân trăn trở rằng, liệu phân bón thông minh có thể áp dụng cho tất cả các loại đất trên toàn tỉnh. Ngoài ra, phân bón thông minh phải vùi trong đất (vì phân nổi) như vậy đối với những ruộng lúa bị ngập nước thì khó có thể áp dụng. Vấn đề giá cả sản phẩm cũng được bà con nông dân dành nhiều sự quan tâm. Giảm chi phí trong sản xuất là yếu tố hết sức phấn khởi, nhưng giá thành phân bón cao sẽ không tạo sức hút đối với người canh tác.

Theo đại diện của Công ty Rynan Agrifoods, thời gian tới, công ty tiếp tục trình diễn tại các địa phương với nhiều vùng đất, giống lúa khác nhau để sản phẩm hoàn hảo hơn khi đến tay người tiêu dùng. Dù hiện nay chưa có giá bán cụ thể, nhưng công ty vẫn đảm bảo giúp người dân lãi 20% khi sử dụng phân bón thông minh để canh tác.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long, sự đồng hành của phân bón tan chậm góp phần quan trọng trong sản xuất trong tình hình mới, mở ra cánh cửa xuất khẩu sang các thị trường khó tính mà trước đây chúng ta không thực hiện được bởi gạo bị tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Hướng đến nền sản xuất thông minh, ngoài sự góp mặt của phân bón thông minh thì rất cần thêm những yếu tố khác. Trước tiên là nông dân cần thông minh trong việc chọn giống; phải đổi mới tư duy trong sản xuất. Ngoài ra, các HTX phải biết đoàn kết nông dân lại với nhau cùng sản xuất, mua bán; định hướng sản xuất theo chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm...

Chính những yếu tố này góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nhất là việc tăng thu nhập, giảm nghèo, bảo vệ môi trường... để nông thôn là nơi đáng sống.

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn