Liên kết phát triển ngành Công Thương, phát huy thế mạnh của vùng

Cập nhật ngày: 24/08/2018 16:28:18

ĐTO - Sáng 24/8, Sở Công Thương Đồng Tháp phối hợp với Cục Công thương địa phương tổ chức Hội nghị Ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ V - năm 2018 với chủ đề “Liên kết phát triển ngành Công Thương, phát huy thế mạnh của vùng”. Tham dự hội nghị có ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương, cùng lãnh đạo Sở Công Thương 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.


Đại biểu các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam tham gia hội nghị

Theo Bộ Công Thương, năm 2017, chỉ số sản xuất công nghiệp của khu vực phía Nam tăng bình quân 10,73% so với năm 2016, cao hơn mức tăng chung của cả nước (cả nước tăng 9,4%).

Tiếp đà tăng trưởng trong năm 2017, chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm 2018 tăng bình quân 9,81% so với cùng kỳ năm trước; trong đó một số tỉnh có mức tăng trưởng cao, nổi bật là: Bình Thuận, Long An, Hậu Giang, Tây Ninh, Tiền Giang,...

Hoạt động thương mại diễn ra sôi động, hàng hóa trên thị trường đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại, các mô hình kinh doanh văn minh, hiện đại không ngừng phát triển; mạng lưới bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng được củng cố và ngày càng mở rộng về qui mô kinh doanh.

Năm 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của khu vục phía Nam đạt 2.229.831 tỷ đồng, tăng 11,77% so với năm 2016, chiếm tỷ trọng 56,67% so với cả nước. 7 tháng đầu năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 12,41% so với cùng kỳ năm 2017.

Xuất khẩu hàng hoá tiếp tục duy trì tăng trưởng (năm 2017 tăng 16,26% so với năm 2016; 7 tháng đầu năm 2018 tăng 12,07% so với cùng kỳ). Thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng và đa dạng, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng và khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ,...

Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng vẫn còn thấp so với tiềm năng phát triển công nghiệp của khu vực; sức cạnh tranh của doanh nghiệp, hàng hóa dần được cải thiện nhưng chưa nhiều; khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu còn rất hạn chế, sản xuất công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp. Bên cạnh đó, việc mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài theo cam kết WTO, thực hiện hiệp định FTA,... là thách thức lớn cho hàng hóa trong nước cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là sản phẩm đến từ các quốc gia có nền công nghiệp phát triển. 


Ông Bùi Quốc Hùng – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo giải đáp một số kiến nghị, đề xuất của các ngành liên quan

Tại Hội nghị, các đại biểu đã dành thời gian tập trung thảo luận những nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý của ngành Công Thương, đưa ra các giải pháp chủ yếu nhằm phát triển công nghiệp và thương mại của địa phương trong thời gian tiếp theo.

Phấn đấu hết năm 2018, duy trì tốc độ tăng trưởng chỉ số công nghiệp cao hơn so với mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu khu vực ước đạt 2.518.316 tỷ đồng, tăng 12,93% so với năm 2017; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá toàn khu vực ước đạt 121,59 tỷ USD, tăng 11,64% so với năm 2017. 

Cũng tại hội nghị, đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành, lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, Tập đoàn thuộc Bộ Công Thương cũng đã trả lời, giải đáp một số kiến nghị, đề xuất của các tỉnh gửi tới Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đánh giá cao những kết quả mà ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đạt được. Thứ trưởng đề nghị, các địa phương, đặc biệt là các Sở Công Thương tiếp tục triển khai các văn bản của Trung ương trong hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng giá trị gia tăng, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng lực, năng suất lao động, chất lượng và năng lực cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp.


Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đánh giá cao những kết quả mà ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã đạt được trong thời gian qua

Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, công nghiệp ưu tiên có lợi thế cạnh tranh và sử dụng nguyên liệu tại chỗ; quan tâm, đầu tư hệ thống lưới điện nông thôn; tiếp tục thực hiện có hiệu quả “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với thúc đẩy sản xuất và phát triển thị trường nội địa; tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng và các địa phương trên cả nước để phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, tạo đầu ra cho sản xuất.

Thứ trưởng Bộ Công Thương đề nghị TP.Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy vai trò “đầu tàu” toàn khu vực, phối hợp với các tỉnh, thành phố để phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam theo hướng phát huy thế mạnh của từng địa phương, tạo sự phát triển toàn diện bền vững cho khu vực, đồng thời chủ động hội nhập, mở rộng giao thương, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn