Tiêu chuẩn chất lượng an toàn sản phẩm nông nghiệp

Cập nhật ngày: 23/08/2018 09:51:17

Hiện nay, an toàn thực phẩm (ATTP) trở thành vấn đề quan tâm chung của mọi người tiêu dùng trên thế giới. Có thể nói, ATTP là một tiêu chí hàng đầu khi đánh giá một sản phẩm nông nghiệp phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu. Hiện tại, một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá ATTP nông sản hàng hóa của Việt Nam là “Sản xuất nông nghiệp hữu cơ” và “Sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP”.


Doanh nghiệp Nhật Bản đến tham quan, tìm hiểu ngành hàng xoài của Đồng Tháp ở Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh). 
Ảnh: Khánh Duy

PGS.TS. Nguyễn Duy Cần - Trưởng Khoa Phát triển nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ đã có bài phát biểu về vấn đề nêu trên tại hội thảo An toàn sản phẩm nông nghiệp và xúc tiến tiêu thụ nông sản trong hợp tác xã (HTX) do Liên minh HTX tỉnh tổ chức.

Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Cần, tiêu chuẩn VietGAP dùng để đánh giá các sản phẩm nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản ở mức độ an toàn cho người tiêu dùng theo tiêu chí của Việt Nam. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ là nền nông nghiệp sản xuất theo phương pháp canh tác tự nhiên, theo truyền thống lâu đời của con người để tạo ra sản phẩm.

Theo quy định của Tổ chức Lương thực thế giới (FAO), khi sản phẩm nông nghiệp được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ thì giống gieo trồng phải do con người tự chọn lọc, bảo quản, không phải là giống cây trồng chuyển gen; đất trồng không được sử dụng bất cứ một loại phân hóa học nào, không sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu bệnh có nguồn gốc hóa học và phải được sử dụng nước sạch trong quá trình canh tác.

Như vậy, chìa khóa cho sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị gia tăng là sản xuất nông sản theo hướng ATTP. Thực tiễn cho thấy, sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, bảo đảm ATTP sẽ xây dựng được thương hiệu, uy tín, lòng tin đối với khách hàng và người tiêu dùng. Đây cũng là điều mà một số doanh nghiệp, HTX ở vài nơi trong nước có khởi đầu tốt. Kinh nghiệm các nước như Thái Lan, Nhật Bản đã thành công nhờ xây dựng được lòng tin với khách hàng, người tiêu dùng qua sản xuất theo hướng ATTP, chất lượng cao.

Về một số giải pháp tháo gỡ những thách thức của nông sản, PGS.TS. Nguyễn Duy Cần nêu ra 4 giải pháp. Cụ thể: giải pháp cho ATTP, giải pháp cho sản xuất chất lượng cao, giải pháp cho sản xuất số lượng lớn, giải pháp cho cạnh tranh và giá rẻ.

Đối với giải pháp cho ATTP, cần đẩy mạnh ứng dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất an toàn như nông nghiệp hữu cơ, các quy trình sản xuất sạch. Những khoa học công nghệ này đã có và các HTX cần có chiến lược phù hợp để áp dụng hiệu quả.

Đối với giải pháp cho sản xuất chất lượng cao, theo PGS.TS. Nguyễn Duy Cần, sản xuất nông nghiệp chất lượng cao không phải là điều không thể. Hiện tại, nhiều sản phẩm nông nghiệp còn yếu kém về chất lượng là do các khâu tổ chức sản xuất và quản lý. Làm ăn theo kiểu “ăn xổi ở thì”, thiếu ý thức và đạo đức trong sản xuất và kinh doanh là nguyên nhân của kém chất lượng sản phẩm.

Giải pháp cho vấn đề trên là cần thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị của nông sản, ứng dụng khoa học các khâu trong sản xuất. Đặc biệt, phát triển công nghệ chế biến sản phẩm nông nghiệp làm đa dạng hóa hàng hóa nông sản, gia tăng giá trị sản phẩm. Điều này sẽ làm củng cố chuỗi giá trị sản xuất, tăng lợi tức và thu nhập cho nông dân, khuyến khích sản xuất phát triển. Công nghệ chế biến là một tác nhân của chuỗi giá trị sản xuất, hỗ trợ và thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững.

Giải pháp cho sản xuất số lượng lớn, sản xuất nông nghiệp Việt Nam còn nhỏ lẻ, manh mún, quy mô nông hộ. Điều này dẫn đến hậu quả khó đáp ứng được nhu cầu số lượng lớn hàng hóa của thị trường. Hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi và cạnh tranh về số lượng lớn hàng hóa với cùng chủng loại, phẩm chất kể cả quy trình canh tác và điều này không thể thực hiện ở quy mô nông hộ nhỏ. Biện pháp vững chắc là tổ chức lại sản xuất theo mô hình HTX kiểu mới, tổ hợp tác sản xuất hay mô hình cách đồng lớn đã được phổ biến trong vài năm gần đây.

Đối với giải pháp cạnh tranh và giá rẻ, sản xuất nông nghiệp hiện tại chưa có tính cạnh tranh cao do khoa học công nghệ đưa vào còn quá ít. Về mặt quản lý và xã hội, sản xuất không tuân thủ các quy trình, đạo đức hay nhận thức của người sản xuất và kinh doanh về ATTP cho người tiêu dùng chưa cao, thiếu tôn trọng chữ tín, sử dụng chất nguy hiểm trong quá trình sản xuất cũng như kinh doanh ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Do vậy, khoa học và công nghệ cần được đưa vào khâu sản xuất, sản xuất theo hướng bảo đảm ATTP. Điểm mấu chốt là HTX/người sản xuất phải xây dựng thương hiệu lâu dài cho nông sản hàng hóa, bảo đảm ATTP và uy tín.

Giải pháp cho giá rẻ: tổn thất sau thu hoạch kết hợp sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên không cơ giới hóa được và làm gia tăng giá thành; thiếu công nghệ chế biến tận dụng và công nghệ chế biến đa dạng hóa sản phẩm nâng cao giá trị. Hiện nay, cơ giới hóa được đưa vào chủ yếu trong sản xuất lúa, trong khi các ngành hàng sản xuất khác vẫn còn rất hạn chế và cần được đưa vào. Giải pháp quan trọng khác là đưa công nghệ chế biến vào sản xuất, trong đó có chế biến tận dụng và đa dạng sản phẩm sẽ làm tăng giá trị sản phẩm và làm hạ giá thành sản xuất. Phát triển công nghệ chế biến nông sản sẽ là đòn bẩy thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Cần, những giải pháp khoa học công nghệ trên cần được đưa vào và sẽ có hiệu quả cao nếu sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng. Sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng sẽ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, số lượng lớn, chất lượng cao, giá thành rẻ và cũng là điều kiện tiên quyết cho phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng sẽ phải nhờ đến các tổ chức doanh nghiệp, HTX nông nghiệp. Nông dân cá thể nhỏ lẻ sẽ không thể sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng.

T.Hiền (lược ghi)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn