Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng từng bước ổn định

Cập nhật ngày: 10/08/2016 16:22:10

ĐTO - 6 tháng đầu năm, mặc dù sản xuất lúa vụ đông xuân 2015-2016 bị nhiều thiệt hại do nắng hạn kéo dài, tổng diện tích gieo sạ tăng 1,43%, nhưng sản lượng lúa giảm gần 34 ngàn tấn so với cùng kỳ năm 2015. Song, với sự phát triển khá ổn định trong chăn nuôi, thủy sản và thực hiện đồng bộ Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nên khu vực nông nghiệp vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 3,2% trong điều kiện khó khăn chung của cả nước (tốc độ tăng trưởng khu vực nông nghiệp cả nước -0,18%).


Chanh Cao Lãnh đã xuất sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. 
Ảnh: T.VY

Công tác kiểm soát dịch bệnh trên vật nuôi được thực hiện chặt chẽ, không phát sinh dịch bệnh nguy hiểm, giá bán các sản phẩm chăn nuôi khá ổn định, có lợi cho người chăn nuôi. Tổng đàn gia súc, gia cầm được duy trì và tăng so với cùng kỳ năm 2015, đàn bò trên 33 ngàn con, tăng 25,59%; gia cầm gần 5 triệu con, tăng 2,2%; đàn heo hơn 240 ngàn con, tăng 0,13% so với cùng kỳ năm 2015.

Thông qua hình thức hợp đồng nuôi gia công, liên kết sản xuất theo chuỗi, diện tích nuôi thủy sản trong tỉnh được duy trì ở mức xấp xỉ cùng kỳ năm 2015 là 3.323ha, sản lượng thu hoạch ước đạt gần 205 ngàn tấn, trong đó có hơn 172 ngàn tấn cá tra, tăng 0,64% so với cùng kỳ năm 2015, đáp ứng tốt nhu cầu chế biến xuất khẩu.

Thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, Đồng Tháp tập trung chỉ đạo sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật; các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) sản xuất được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động. Từ đó, lĩnh vực HTX, THT đảm đương được vai trò đầu mối, dẫn dắt nông dân liên kết sản xuất theo tín hiệu thị trường và liên kết với các doanh nghiệp để khép kín từ khâu cung ứng vật tư đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, đến khâu tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu... Đầu năm đến nay, tỉnh cũng tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, hỗ trợ các HTX nông nghiệp trang bị dụng cụ, thiết bị thử nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản, hợp tác phát triển sản xuất một số nông sản sạch. Qua đó, giúp nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản, đảm bảo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang một số thị trường khó tính như: Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Newzealand...

Kết quả thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã giúp nông dân giảm giá thành sản xuất từ 10-20%, tăng thêm lợi nhuận từ 3-4 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất truyền thống. Đến nay, tỉnh đã xây dựng được nhiều nhãn hiệu gạo như: Kim Trường Xuân, Sếu Đỏ, Hương Tràm, Ramsa. Đặc biệt gạo Nosavina đã có mặt trên thị trường Singapore. Công ty TNHH MTV Cỏ May Essential đã hợp tác chuyển giao kỹ thuật và công nghệ trồng nấm rơm sạch, nâng cao chất lượng, năng suất tăng gấp 2 lần so với trồng thủ công truyền thống, giúp nông dân tận dụng nguồn rơm phế phẩm, tăng thêm giá trị gia tăng từ cây lúa. Trái xoài được tiêu thụ ở các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Newzealand, Samara (Nga)... với giá ổn định, trung bình trong năm khoảng từ 20.000-25.000 đồng/kg, đã khắc phục được tình trạng rớt giá do thu hoạch tập trung một thời điểm. Trái nhãn đã xuất sang thị trường Mỹ. Trái chanh xuất sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Ớt trái Thanh Bình xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Hàn Quốc... giá bán cũng tăng thêm từ 10-15% so với trước đây.

Thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng cá tra, các doanh nghiệp chế biến đã tái cơ cấu lại trong nội bộ ngành. Đồng thời triển khai xây dựng vùng nuôi nguyên liệu để khép kín từ khâu cung ứng vật tư đầu vào đến khâu tiêu thụ - chế biến và xuất khẩu. Người nuôi được cung cấp thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật nuôi, không phải vay nợ ngân hàng, không lo đầu ra tiêu thụ, có lợi nhuận ổn định, góp phần đưa sản lượng thủy sản đạt trên 207 ngàn tấn, đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tăng 1,32% so với cùng kỳ năm 2015. Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư ứng dụng khoa học – công nghệ mới, tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng như: chế biến dầu ăn Ranee từ mỡ cá, chế biến Colagen, gelatin từ da cá tra, chế biến bột cá làm thức ăn chăn nuôi từ phụ phẩm cá tra, góp phần tăng thêm giá trị ngành hàng cá tra.

Các mô hình chăn nuôi theo chuỗi giá trị, mô hình liên kết xây dựng vùng nguyên liệu được triển khai thực hiện. Từ đó, đưa tổng đàn gia cầm 6 tháng đầu năm 2016 đạt gần 5 triệu con, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 20n15. Mô hình tổ hợp tác chăn nuôi vịt theo chuỗi giá trị, các hộ nuôi được cung cấp con giống thức ăn đảm bảo chất lượng, được hướng dẫn kỹ thuật nuôi rọ kết hợp chăn thả bán công nghiệp. Mô hình này giúp kiểm soát được dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp và chất lượng dinh dưỡng tốt nên sản lượng trứng vịt tăng gần gấp 3 lần và sản lượng thịt vịt tăng 22,8% so với năm 2012.

Thời gian qua, tỉnh đã liên kết cử cán bộ kỹ thuật và nông dân sang Hà Lan nghiên cứu, phát triển nghề trồng hoa kiểng và tiếp thu những tiến bộ kỹ thuật trồng hoa kiểng của Hà Lan, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống hoa kiểng, tổ chức diễn đàn để kết nối giữa người sản xuất và doanh nghiệp, tạo thị trường, định hướng phát triển nghề trồng hoa kiểng gắn với tham quan du lịch. Từ đó đã sản xuất được nhiều chủng loại hoa mới, đẹp, sử dụng được lâu hơn và diện tích sản xuất tăng 13,8% so với năm 2012, đáp ứng nhu cầu cung ứng sản lượng lớn cho thị trường, góp phần nâng cao giá trị cho ngành hàng hoa kiểng.

Trong phát triển nông thôn, tỉnh đã tập trung chỉ đạo hỗ trợ phát triển HTX, phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn; hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng các cụm, tuyến dân cư giai đoạn 2; tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, diện mạo nông thôn dần được thay đổi. Đến nay, toàn tỉnh có 28/119 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, 89 xã đạt từ 10-18 tiêu chí, 3 xã đạt 9 tiêu chí, tỉnh đã hoàn chỉnh hồ sơ trình Trung ương xét công nhận TP.Sa Đéc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn