Cần tăng cường quản lý kinh doanh, giết mổ gia cầm

Cập nhật ngày: 08/08/2016 16:23:47

ĐTO - Theo Chi cục Thú y tỉnh Đồng Tháp, trong 6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra hơn 500 đợt tại các quầy, sạp kinh doanh gia súc, gia cầm trên toàn tỉnh. Qua kiểm tra, chỉ phát hiện vài trường hợp vi phạm ở mức nhẹ không đáng kể. Tuy nhiên, theo cảnh báo của các cơ quan chức năng, dịch cúm gia cầm đang có dấu hiệu tạm lắng nhưng chỉ là tạm thời. Hiện thời tiết đang vào mùa mưa, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho virút cúm phát triển. Khi đó, nguy cơ lây lan dịch cúm trong cộng đồng là rất lớn.


Cần quản lý chặt chẽ việc kinh doanh, mua bán gia cầm sống tại các chợ

Hiện các chợ truyền thống thuộc khu vực TP.Cao Lãnh, Sa Đéc, TX.Hồng Ngự, ngành thú y có bố trí lực lượng kiểm tra việc giết mổ, mua bán, kinh doanh gia cầm. Song, các địa phương khác thì vẫn chưa thể quản lý chặt chẽ. Vì vậy, nhiều khu chợ tự phát dọc các tuyến đường quốc lộ, nông thôn, vùng ven, người dân vẫn buôn bán gà, vịt chưa qua kiểm dịch. Giá bán của các khu chợ gia cầm “lưu động” này khá rẻ, điều này gây ra nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc quản lý.

Qua khảo sát, hiện trung bình mỗi chợ tạm, chợ nông thôn có khoảng 5 – 7 người mua bán gia cầm sống và các chợ này đều không có lực lượng Thú y kiểm tra. Ngoài ra, nhiều hộ kinh doanh vận chuyển gia cầm bằng xe máy cũng tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Các thương lái từ nơi khác vận chuyển gia cầm thường chọn những tuyến đường không có Trạm kiểm dịch khiến việc kiểm tra xử lý của lực lượng Thú y gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, tình trạng gia cầm không rõ nguồn gốc phân phối vào các chợ tạm là khó tránh khỏi.

Ông Lê Đình Tuấn – Trưởng phòng Kiểm dịch động vật, Chi cục Thú y tỉnh cho biết: “Mặc dù các ngành chức năng tăng cường, kiểm tra giám sát việc kinh doanh gia cầm tại các chợ nhưng vẫn còn khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tại các chợ tạm, chợ vùng ven, việc mua bán, giết mổ gia cầm tại chỗ vẫn còn diễn ra khá phổ biến, gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng. Thực chất, việc giết mổ gia cầm kiểu này không đảm bảo vệ sinh bởi gia cầm chưa qua kiểm định đều không rõ nguồn gốc xuất xứ nên có thể có cả gia cầm mắc bệnh”.

Anh Nguyễn Văn Thanh – người kinh doanh gia cầm sống tại huyện Lai Vung chia sẻ: “Gia đình tôi làm nghề bán gia cầm sống từ nhiều năm nay. Vào tháng chạp, nhất là từ ngày Rằm trở đi trung bình mỗi ngày tôi bán khoảng 40 con gà, vịt. Những tháng mưa dầm thì một ngày chỉ bán được hơn chục con”. Còn theo chị Dương Thị Ánh Tuyết ngụ phường Mỹ Phú, TP.Cao Lãnh: “Gia đình tôi thường mua gia cầm sống ở chợ rồi nhờ người bán giết mổ luôn tại chỗ, biết là không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng do gia đình ai cũng thích ăn đồ tươi nên vẫn phải mua”.

Thực tế, sản phẩm gia cầm bán trong siêu thị tuy có ghi nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nhưng là hàng đông lạnh nên tâm lý người tiêu dùng không chuộng bằng đồ tươi sống.

Theo Chi cục Thú y tỉnh, việc giết mổ đúng quy trình phải qua những công đoạn như: kiểm tra gia cầm nhập vào, giấy tiêm phòng, kiểm tra lâm sàng gia cầm, vệ sinh tiêu độc khử trùng, đóng dấu chứng nhận của lực lượng Thú y.

Để từng bước thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc kinh doanh giết mổ gia cầm, ông Lê Đình Tuấn cho biết: “Thời gian tới, ngành Thú y sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động buôn bán, giết mổ kinh doanh gia cầm tại các chợ. Qua kiểm tra, nếu phát hiện các trường hợp vi phạm sẽ xử lý triệt để, nhất là đối với các trường hợp buôn bán gia cầm sống không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, trong quá trình kiểm tra, giám sát, ngành Thú y cũng kết hợp với việc tuyên truyền về mối nguy hiểm của dịch cúm cho các hộ kinh doanh và người dân hiểu rõ”.

Vì sức khỏe của gia đình và cộng đồng, người tiêu dùng cần thay đổi thói quen có hại của mình trong việc sử dụng gia cầm giết mổ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ.

Hoài Minh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn