Liên kết - xu hướng tất yếu trong phát triển chuỗi ngành hàng vịt ở Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 06/11/2017 11:13:59

ĐTO - Nhằm đánh giá lại tình sản xuất và liên kết trong phát triển chuỗi ngành hàng vịt, vừa qua, tại TP.Cao Lãnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội thảo với chủ đề “Phát triển ngành hàng vịt: Liên kết sản xuất và tiêu thụ trứng vịt”. Tham dự có đại diện các doanh nghiệp (DN) tham gia trong chuỗi liên kết, nhà khoa học đến từ Trường Đại học Cần Thơ và hơn 150 nông dân của các huyện: Tháp Mười, Tam Nông, Cao Lãnh, Thanh Bình.


Thực hiện chuỗi liên kết giúp người nuôi vịt giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận

Mặc dù được đánh giá là ngành hàng “yếu thế” trong xây dựng chuỗi liên kết, song khoảng 2 năm gần đây, với sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của người chăn nuôi, sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương và DN, tình hình xây dựng chuỗi liên kết cho ngành hàng vịt có nhiều dấu hiệu khả quan.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Tháp, nếu năm 2015 cả tỉnh chỉ có một tổ hợp tác (THT) chăn nuôi vịt theo hướng sinh học duy nhất tại xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười thì đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 6 THT chăn nuôi vịt theo hướng trứng với tổng đàn vịt trên 205.000 con, sản lượng trứng bình quân trên 27 triệu quả/năm.

Hiện tại, phần lớn các THT sản xuất đều có gắn kết với DN cung cấp thức ăn và tiêu thụ sản phẩm trứng vịt. Đây là tiền đề giúp giảm chi phí đầu vào, sản phẩm được tiêu thụ với giá cả ổn định, từ đó giúp người chăn nuôi yên tâm sản xuất.

Bên cạnh những mặt thuận lợi thì chuỗi ngành hàng vịt cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn như: một bộ phận người chăn nuôi vịt rất tâm huyết với mô hình nuôi vịt theo hướng sinh học và công nghệ cao, song do không có điều kiện đầu tư, thiếu vốn nên vẫn phải chăn nuôi theo phương thức chạy đồng truyền thống. Bên cạnh đó, khi chăn nuôi tập trung, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng là vấn đề khiến cho nhiều nông dân e ngại...

Nhằm đưa ra hướng tháo gỡ khó khăn cũng như đề xuất giải pháp phát triển cho ngành hàng vịt trong giai đoạn tới, tại hội thảo, ngành nông nghiệp tỉnh đề ra nhiều giải pháp thiết thực. Trong đó, ngành nông nghiệp nhấn mạnh, sẽ tiếp tục có chính sách hỗ trợ xây dựng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường, hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ.

Song song đó, ngành sẽ chủ động kết hợp với các Viện nghiên cứu, nhà khoa học tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng con giống địa phương. Chỉ tiêu đến năm 2020, phấn đấu phát triển tổng đàn vịt trên địa bàn tỉnh là 8,5 triệu con. Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, phát triển vùng chăn nuôi trọng điểm... cũng là những giải pháp sẽ được tập trung đẩy mạnh trong giai đoạn tới.

Dịp này, những thắc mắc của người chăn nuôi về chính sách hỗ trợ cho ngành hàng vịt, vấn đề liên kết và quản lý dịch bệnh trên đàn vịt cũng được các diễn giả nhiệt tình trả lời. Phần lớn nông dân đánh giá cao mô hình liên kết chuỗi ở ngành hàng vịt, đồng thời cũng cho rằng trong thời gian tới, tỉnh cần có nhiều ưu đãi hơn trong việc vay vốn phát triển chăn nuôi vịt theo hướng công nghệ cao, an toàn sinh học vì đây là hướng đi tất yếu mà ngành hàng này cần phải hướng đến.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn