Khoa học công nghệ - Chìa khóa để khai thác tài nguyên bản địa

Cập nhật ngày: 04/11/2017 06:07:41

ĐTO - Diễn đàn kinh tế - kinh doanh Mekong Connect 2017 tại Bến Tre với chủ đề “Phát triển tài nguyên bản địa kết hợp sức mạnh công nghệ” vừa khép lại. Chương trình đã mở ra nhiều góc nhìn mới cho 4 tỉnh ABCD (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp) trong việc làm thế nào để phát huy một cách tối ưu nhất những giá trị tài nguyên bản địa đặc trưng của mỗi địa phương cùng nhiều giải pháp thiết thực để 4 tỉnh có thể thắt chặt mối liên kết, cùng nhau tồn tại và phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra sâu rộng.


Khoa học công nghệ sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc giúp Đồng Tháp khai thác hiệu quả những giá trị kinh tế cho cây sen

 “Riêng tỉnh Đồng Tháp, sau diễn đàn Mekong Connect lần này không những tích góp thêm được nhiều kinh nghiệm quý trong việc nâng tầm giá trị cây sen của quê hương, thông qua những tư vấn từ các chuyên gia, tỉnh Đồng Tháp có thêm nhiều giải pháp hay và mới giúp ích cho việc thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh nhà”, đó là chia sẻ của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan  tại diễn đàn Mekong connect 2017.

Tại diễn đàn Mekong connect 2017, lần đầu tiên khái niệm về “tài nguyên bản địa” được đem ra phân tích dưới góc nhìn của khoa học công nghệ (KHCN). Với sự chia sẻ của các diễn giả, doanh nghiệp (DN), các nhà hoạch định chính sách 25 đề tài về: Vai trò và nguồn lực từ tài nguyên bản địa, giải pháp phát triển tài nguyên bản địa cho đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), DN đồng bằng và DN quốc tế về việc khai thác tài nguyên bản địa, tài nguyên bản địa - cơ hội nào cho khởi nghiệp đồng bằng... đã mang đến cái nhìn đa chiều hơn cho 4 tỉnh ABCD. Nổi bật là 4 phiên thảo luận về giải pháp phát triển 4 chuỗi ngành hàng: dừa, gạo, cá, sen - du lịch của các tỉnh ABCD.Trong đó, Bến Tre với tài nguyên bản địa là dừa, An Giang là cá, Cần Thơ là gạo, Đồng Tháp là sen và các tour, tuyến du lịch.

Phần lớn các chuyên gia đều cho rằng, ĐBSCL nói chung và 4 tỉnh ABCD nói riêng có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển nông nghiệp. Song do chưa đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất nên hầu hết các sản phẩm như: lúa, cá, dừa, sen của các tỉnh chỉ dừng lại ở việc xuất khẩu thô. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, việc xuất thô đang vướng nhiều rào cản lớn mà các nhà nhập khẩu đã đặt ra, điển hình là một số khó khăn lớn mà mặt hàng lúa gạo và cá tra đang đối mặt. Đây là nguyên nhân khiến nền kinh tế nông nghiệp có dấu hiệu phát triển chậm lại trong khoảng thời gian gần đây.

Chia sẻ về góc nhìn này, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết: “Trong bối cảnh hiện nay, việc sản xuất phải đặt trong xu thế hội nhập là quan niệm sống còn đối với từng địa phương cũng như DN. Nếu nhà sản xuất tự tách mình ra khỏi xu thế hội nhập thì sự cạnh tranh của thị trường sẽ đào thải ngay lập tức. Cho nên, thay vì cứ bị động thì nên chủ động bước tới và đem sức mạnh của công nghệ để khai thác tốt tài nguyên bản địa mà mỗi địa phương đang sẵn có. Kỷ nguyên 4.0 đang phát triển một cách thần tốc và đây sẽ trở thành lợi thế cũng như động lực để khai thác hiệu quả những giá trị bản địa”.

Trong 4 phiên thảo luận về chủ đề: dừa, gạo, cá, sen - du lịch, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, các địa phương cần dừng lại kiểu tư duy đẩy mạnh phát triển số lượng như trước đây. Thay vào đó, phải nâng cao giá trị sản phẩm cho cây lúa, cây dừa, sen, con cá tra bằng việc tăng cường ứng dụng công nghệ mới, mở rộng diện tích canh tác hữu cơ nhằm tạo nên nhiều phân khúc thị trường mới trong tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh đầu tư vào bảo quản và chế biến nhằm tạo sự đa dạng cũng như nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm bản địa...


Mô hình sản xuất hàng hóa theo hướng hữu cơ ở Hợp tác xã Tân Bình, huyện Thanh Bình

Chia sẻ về những góc nhìn mới cho phát triển kinh tế địa phương sau diễn đàn Mekong Connect năm 2017, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan nhận định, Đồng Tháp còn nhiều việc cần phải làm. Bên cạnh 5 ngành hàng chủ lực trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh thì việc định vị lại cho ngành hàng sen, việc phát triển du lịch là việc làm cần thiết. Bên cạnh đó, để khai thác bền vững hơn thế mạnh cho từng ngành hàng thì việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN là điều cần chú trọng. Ví dụ như, cần đầu tư nhiều hơn cho công nghệ bảo quản, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, tới ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quảng bá sản phẩm, buôn bán bằng các giao dịch điện tử... là những nội dung sẽ được tỉnh tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới.

Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cũng bày tỏ sự trăn trở: Để thực hiện được những vấn đề trên cần có những giải pháp đồng bộ tác động hơn nhằm giúp người nông dân, hợp tác xã, DN chuyển dần từ việc bán nông sản dạng thô sang việc đầu tư chế biến, đa dạng hóa sản phẩm từ việc ứng dụng KHCN. Để ý tưởng này sớm được nhân rộng trong thực tiễn, Nhà nước cần phải có những chính sách để hỗ trợ như: mua sắm trang thiết bị, những máy móc có thể giúp chế biến và bảo quản nông sản hiệu quả hơn; phải có những khóa tập huấn cho nhà sản xuất để bà con hiều rõ cần sản xuất - bảo quản - chế biến như thế nào mới phù hợp với quy trình, bổ sung kiến thức xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường... Tất cả cần làm đồng bộ thì mới có thể thành công trong việc dựa vào sức mạnh công nghệ để thực hiện thành công tái cơ cấu nông nghiệp.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn