Mô hình trạm bơm điện tại Hợp tác xã Mỹ Đông 2 giúp tiết kiệm nước, giảm chi phí sản xuất

Cập nhật ngày: 26/11/2019 05:56:49

ĐTO - Thời gian qua, từ sự năng động trong hoạt động sản xuất, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Mỹ Đông 2 (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười) đã giúp thành viên nâng cao thu nhập, giảm giá thành sản xuất. Đặc biệt, việc đầu tư xây dựng hệ thống trạm bơm điện theo công nghệ 4.0 đã giúp người nông dân quản lý tốt đồng ruộng, tiết kiệm nước, giảm chi phí, tăng lợi nhuận.


Trạm bơm điện được điều khiển bằng hệ thống biến tần

Thành lập từ tháng 5/2013, HTX DVNN Mỹ Đông 2 có 108 thành viên, diện tích sản xuất khoảng 570ha. Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, HTX DVNN Mỹ Đông 2 luôn chú trọng tìm giải pháp để nâng chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất cho người nông dân. Một trong những giải pháp được HTX đặc biệt quan tâm trong thời gian qua là tranh thủ mọi nguồn vốn hỗ trợ từ địa phương và nguồn vận động xã hội hóa để hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi nội đồng, kết hợp với xây dựng kiên cố trạm bơm điện theo công nghệ 4.0 nhằm giúp người dân ổn định sản xuất.

Được sự quan tâm của tỉnh, năm 2017, HTX DVNN Mỹ Đông 2 tiến hành xây dựng hệ thống trạm bơm điện kết hợp với cơ sở hạ tầng (kênh mương, giao thông nội đồng, điện, hệ thống tưới tiêu thông minh phục vụ cho sản xuất lúa) mô hình 4.0 thích ứng với biến đổi khí hậu, phục vụ diện tích 170ha của HTX. Ông Trần Phước Sang - Phó Giám đốc HTX Mỹ Đông 2 cho biết: “Ngày trước, khu vực này cũng có trạm bơm nhưng quy mô nhỏ, không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của người dân. Đến năm 2017, được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp đã đầu tư trên 30 tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng gồm kênh mương, giao thông nội đồng, điện, hệ thống tưới tiêu thông minh, nhằm giúp tiết kiệm nước, giảm chi phí trong sản xuất...”.


Hệ thống cảm biến quan trắc mực nước tại ruộng

Theo ông Sang, đây là mô hình mở rộng từ mô hình điểm được HTX DVNN Mỹ Đông 2 phối hợp với Công ty Rynan smart Fertilizers (Trà Vinh) thí điểm thực hiện từ vụ đông xuân 2017-2018 với diện tích 7,6ha. Trên cơ sở hiệu quả của mô hình mang lại trong việc giảm chi phí về giống, phân bón, nhân công, tiết kiệm nước..., tỉnh Đồng Tháp đã mở rộng dự án lên 170ha tại HTX. Theo đó, tỉnh đầu tư các hạng mục về cơ sở hạ tầng (kênh mương, giao thông nội đồng, điện, hệ thống tưới tiêu thông minh phục vụ cho sản xuất lúa). Công ty Rynan cung cấp thiết bị ứng dụng điều khiển chế độ tưới ngập, khô xen kẽ theo công nghệ điện toán đám mây với tổng kinh phí trên 30 tỷ đồng.

Việc kết hợp thông số quan trắc mực nước, ống cảm biến để kiểm soát tưới ướt khô xen kẽ và trạm điều khiển bơm giúp HTX thuận tiện trong việc điều chỉnh mực nước tại ruộng. Cụ thể, hệ thống trạm bơm điện gồm hai máy bơm được điều khiển bằng hệ thống cảm biến nên người quản lý trạm điều khiển chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh có kết nối Internet sẽ điều khiển từ xa cho hệ thống trạm bơm cấp nước vào ruộng đúng lúc, đúng thời điểm và tự động hóa thông qua điện thoại thông minh. Ngoài ra, mô hình này cũng góp phần tiết kiệm nước, nâng cao giá trị và hiệu quả lợi nhuận cho người sản xuất lúa. “Theo tính toán của tôi, hệ thống trạm bơm này giúp giảm 30% chi phí bơm nước do rút ngắn được thời gian. Cụ thể, nếu bơm bình thường phải mất từ 2 đến 3 ngày mới bơm đầy nước, còn bơm nước bằng máy bơm biến tần này chỉ mất từ 1-2 tiếng là đảm bảo đầy nước tưới cho 170ha mà nông dân không mất nhiều công sức”- ông Sang cho biết.


Trong diện tích 170ha, Hợp tác xã xây dựng hệ thống máng nước bằng bê tông chạy đều toàn diện tích

Bên cạnh việc giảm chi phí trong khâu bơm tưới, những nông dân có ruộng nằm trong khuôn bơm còn hưởng được nhiều lợi ích khác như: nhờ chủ động được nguồn nước nên tình hình cỏ dại rất ít, do sạ đồng loạt và cùng một loại giống nên rất dễ áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong canh tác lúa như “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”. Từ đó, năng suất lúa cũng không ngừng được nâng lên. Ngoài ra, việc thu hoạch và bán lúa cũng thuận tiện hơn, bởi toàn bộ hệ thống đê bao nội đồng đều được khép kín, xe tải có thể vào tận ruộng thu mua lúa...

Ông Nguyễn Văn Mai - thành viên HTX DVNN Mỹ Đông 2 cho hay, trước đây khi chưa có trạm bơm này, việc bơm tưới nước mất nhiều thời gian và không đồng đều giữa các thửa ruộng. Chẳng hạn, ô ruộng cao thì nước không đủ trong khi những ruộng thấp thì nước ngập lúa nên lúa lúc thất, lúc trúng. Tuy nhiên, từ khi có trạm bơm này cùng với việc xây dựng đường máng kênh, trong đó có đặt đường ống nước từng thửa ruộng nên người dân chủ động trong việc đưa nước vào và xả nước ra. Cùng với đầu tư hệ thống trạm bơm điện, việc nông dân trong ô bao sản xuất lúa theo quy trình sản xuất lúa thông minh giảm lượng giống, sử dụng phân bón một lần cho một vụ giúp giảm 50% chi phí, tăng lợi nhuận từ việc bán lúa cao hơn so với sản xuất bên ngoài từ 200 - 300 đồng/kg.

Với việc chọn đột phá từ mô hình kiên cố hóa kênh, mương gắn với đầu tư trạm bơm điện đã giúp HTX DVNN Mỹ Đông 2 có nhiều bước tiến trong quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại địa phương, nhất là giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận từ việc giảm giá thành sản xuất. Bởi đầu tư trạm bơm điện giúp tiết kiệm nước, thời gian, chi phí, góp phần giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận từ việc giảm chi phí. Đặc biệt, trong bối cảnh sản xuất lúa đang gặp khó khăn thì việc giảm chi phí là vấn đề vô cùng quan trọng...


Mô hình canh tác lúa lý tưởng tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2

Từ những kết quả trên, hiện HTX DVNN Mỹ Đông 2 đang được các ngành chức năng của tỉnh đánh giá là một trong những đơn vị có mô hình trạm bơm điện hoạt động hiệu quả nhất và cần nhân rộng ở các địa phương khác.

Theo UBND huyện Tháp Mười, sản xuất lúa giảm giá thành kết hợp với hoàn chỉnh hệ thống trạm bơm điện, đê bao nội đồng giúp tình hình sản xuất nông nghiệp của địa phương, nhất là nông nghiệp xã Mỹ Đông ngày càng hiệu quả. Trong đó, khâu tiêu thoát nước được chủ động, góp phần hạ giá thành sản xuất, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, phòng, chống dịch bệnh, tăng năng suất. Hướng tới, ngoài việc duy trì tốt hoạt động của mô hình trạm bơm điện kết hợp đê bao khép kín sản xuất lúa thông minh tại HTX Mỹ Đông 2, địa phương sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ra các địa phương khác nhằm giảm chi phí, hạ giá thành cho người dân.

Mỹ Nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn