Một ngày ở vùng dịch tả heo Châu Phi

Cập nhật ngày: 24/06/2019 13:22:33

ĐTO - Gần 30 ngày qua, với những diễn biến phức tạp, dịch tả heo Châu Phi hoành hành tại làng bột xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành đã gây ra nhiều tổn thất nặng nề cho người chăn nuôi. Và, đó cũng là khoảng thời gian lực lượng phòng, chống dịch tả heo Châu Phi xã Tân Phú Trung phải gồng mình chiến đấu.


Trung bình mỗi ngày, lực lượng ứng phó và phòng, chống dịch tả heo Châu Phi của xã Tân Phú Trung phải xử lý, chôn lấp hàng chục tấn heo bị nhiễm bệnh cho người dân

Theo chân “biệt đội lái heo” bất đắc dĩ

Với người dân tại xã Tân Phú Trung, những ngày qua, lực lượng ứng phó phòng, chống dịch tả heo Châu Phi của địa phương đã trở thành “những lái heo bất đắc dĩ” giúp người dân xử lý heo bị dịch bệnh hiệu quả. Nhiều bà con trong vùng đặt tên cho lực lượng này là “biệt đội lái heo bất đắc dĩ”. Bởi trong hoàn cảnh này, không có lái heo nào có khả năng tiêu thụ một ngày khoảng vài chục tấn heo như thế.

Một ngày của “biệt đội lái heo bất đắc dĩ” bắt đầu từ khá sớm, 7 giờ sáng, anh em tập trung tại trụ sở Ban Nhân dân ấp Tân Thuận, xã Tân Phú Trung để ăn sáng. Mọi người đều khẩn trương còn kịp vận chuyển và xử lý cho người dân số heo bệnh chết.

Anh Phạm Minh Thắng - dân quân tự vệ xã Tân Phú Trung chia sẻ: “Có những ngày heo chết khoảng 20 - 30 tấn, anh em phải xử lý tận 11 khuya mới xong, nhưng mọi người vẫn cố gắng thực hiện dứt điểm để ngày hôm sau còn tiếp tục hỗ trợ những hộ mới, không để heo chết nhiều ngày gây ô nhiễm tại nhà dân. Giúp được người dân là anh em vui lắm rồi”.

Những ngày qua, đường dây nóng của UBND xã Tân Phú Trung gần như quá tải, những cuộc điện thoại liên tục từ người dân báo heo chết, có dấu hiệu bất thường, xin cấp thêm thuốc sát trùng... Ngồi tiếp chuyện chưa đầy 10 phút nhưng cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với anh Nguyễn Văn Thái - cộng tác viên thú y (một trong những thành viên trực đường dây nóng của UBND xã Tân Phú Trung) liên tục bị ngắt quãng.

Anh Thái tâm sự: “Mấy hôm nay, điện thoại em cứ reo liên tục, thậm chí 9 - 10 giờ đêm người dân vẫn còn điện báo heo chết. Mặc dù số lượng heo chết khá lớn nhưng nhờ bà con báo sớm nên lực lượng có thể cơ động sắp xếp để xử lý”.

Cũng giống như nhiều địa phương, đường xuống các ấp của xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành khá nhỏ và quanh co. Ngoài khu vực có đường đan lớn thuận tiện thì vẫn có rất nhiều hộ dân ở khu vực vùng sâu, đường đất nhỏ khiến việc thu gom và chuyên chở hàng tấn heo bệnh ra khỏi khu vực này càng khó khăn. Nếu có tận mắt chứng kiến công việc của lực lượng này thì mới có thể cảm thông và thấu hiểu.


Nhiều khu vực đường xá rất lầy lội gây khó khăn cho việc van chuyển heo chết đến hố chôn lấp

So với heo còn sống, việc vận chuyển heo chết khó khăn, vất vả hơn rất nhiều. Có những khi heo chết đã chất đầy xe tải, song mọi người buộc phải tuồn heo xuống hết vì đường lầy, lún xe không thể chạy được. Những lúc như vậy, “biệt đội lái heo” lại trở thành lực lượng sửa đường, rải gạch đá để chống lầy, giúp xe chuyên chở lăn bánh.

Theo chân anh Nguyễn Văn Thái - cộng tác viên thú y xã Tân Phú Trung, chúng tôi đến gia đình bà Phạm Thị Nhàn, đàn heo của bà có khoảng 90 con nhưng đều bị dịch tả heo Châu Phi và chết sạch. Với gia đình bà Nhàn, nuôi heo không chỉ là nghề giúp gia đình bà có nguồn thu nhập ổn định mà đàn heo còn như những thành viên trong gia đình, heo chết không chỉ mất mát về kinh tế mà còn là tổn thương về mặt tinh thần.

Bà Phạm Thị Nhàn rưng rưng nói: “Để bảo vệ đàn heo, gần 1 tháng gia đình tôi không cho đàn heo ăn cặn bot mà chuyển sang cho chúng ăn thức ăn công nghiệp và phun xịt thuốc sát trùng liên tục. Sống với nghề này mấy chục năm nhưng điều làm tôi đau đớn nhất là nhìn cảnh mấy con heo nái chưa kịp đẻ xong đã lăn ra chết.

Làm bột nuôi heo đã trở thành nghề nghiệp từng giúp nhiều gia đình khá giả và con heo cũng trở thành vật nuôi thân thiết gắn bó với người dân làng bột. Chia sẻ về nghề gia truyền của gia đình, anh Bùi Văn Tám ở xã Tân Phú Trung bộc bạch: “Heo chết mấy chục ngày nay rồi nhưng tối nào gia đình tôi cũng bật đèn sáng ngoài chuồng như hồi đàn heo vẫn còn vì không muốn tin là bầy heo chết hết. Mỗi lần nghe heo hàng xóm kêu là vợ chồng tôi nhìn nhau rưng rưng nước mắt. Tôi mong đại dịch này mau chóng qua đi, để bà con ở đây có thể tiếp tục chăn nuôi trở lại”.


Những ly nước mát lạnh được người dân “tiếp sức” cho lực lượng làm nhiệm vụ

Ấm ấp tình quân dân

Những ngay qua, đi tác nghiệp tại vùng dịch của huyện Châu Thành, trái tim của những người làm công tác truyền thông như chúng tôi như thắt lại, nhất là khi chứng kiến nhiều hộ dân buộc phải quay mặt đi để lau nước mắt khi lực lượng chức năng đến đưa heo về bãi chôn lấp.

Điều đáng trân quý mà chúng tôi thấy ấm áp nhất trong những ngày qua chính là sự đồng lòng, tình cảm nồng ấm của người dân và chính quyền địa phương. Trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, tình quân dân như được thắt chặt thêm. Vừa lau những giọt mồ hôi sau khi khiêng bầy heo chết ra khỏi chuồng, anh Phạm Hoàng Mỹ ngụ ấp Tân Thuận vẫn không quên nhắc mẹ mang nước uống và chuối nấu đãi anh em đang làm nhiệm vụ.

Anh Phạm Hoàng Mỹ tâm sự: “Mấy anh em cực khổ lắm rồi, tiếc là gấp gáp quá nhà không có gì ngon để đãi anh em. Gia đình rất biết ơn chính quyền địa phương vì không những hỗ trợ thuốc sát trùng trong phòng, chống dịch và chi phí thiệt hại cho chúng tôi mà còn giúp gia đình xử lý, chôn lấp cả mấy tấn heo thế này”.

Những trái chuối nấu nóng hổi, những trái dừa tươi mát dịu cùng bữa cơm nấu vội theo tiêu chí “có chi dùng nấy” là những tình cảm trân quý, ngọt lành mà người dân tại làng bột Tân Phú Trung, huyện Châu Thành dành cho “biệt đội lái heo bất đắc dĩ”. Đáp lại những tình cảm ấy của người dân, anh em trong đội dường như quên đi cái met sau ngày làm việc vất vả. Mỗi ngày phải xử lý hàng chục tấn heo chết cho người dân nhưng ai nấy vẫn cố gắng động viên nhau cùng giúp dân vượt khó.

Anh Nguyễn Hữu Tâm - Trưởng Công an xã Tân Phú Trung cho hay, nhiều ngay qua, bên cạnh công việc chuyên môn, tôi trở thành “ông lái heo bất đắc dĩ”. Mấy hôm nay, heo trên địa bàn bị bệnh chết khá nhiều, anh em ai nấy phải làm việc từ sáng sớm tới tối mịt mới về tới nhà. Dù vất vả nhưng anh em đều cảm thấy ấm lòng bởi những tình cảm mà người dân dành cho chúng tôi. Mặc dù không thể giúp người dân giữ lại được tài sản nhưng mong muốn sự hỗ trợ từ địa phương phần nào sẽ giúp bà con vượt qua được khó khan”.

Ông Nguyễn Thanh Liêm, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Phú Trung thông tin, dù tình hình dịch tả heo Châu Phi có diễn biến phức tạp, song với sự chung sức chung lòng của chính quyền địa phương và người dân xã luôn cố gắng giảm bớt thiệt hại tối thiểu nhất cho người dân. Ngoài công tác tuyên truyền trước khi dịch bệnh xảy ra, hiện hằng ngày đài phát thanh xã luôn thông tin tuyên truyền về dịch tả heo Châu Phi. Từ khoảng thang 5 đến nay, xã Tân Phú Trung đã được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cung cấp trên 432 lít thuốc sát trùng hỗ trợ cho người chăn nuôi phòng dịch, chưa bao giờ địa phương để người dân phải thiếu thuốc sát trùng trong phòng dịch. Ngoài ra, gần đây nhất đã có 16 hộ chăn nuôi có heo bị tiêu hủy do dịch tả heo Châu Phi đã được nhận tiền hỗ trợ, với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng.

Điều mà địa phương cảm thấy ấm áp nhất chính là luôn có sự ho trợ kịp thời về tinh thần, chủ trương và cơ sở vật chất từ lãnh đạo cấp tỉnh và huyện. Người dân không phải đơn độc một mình trong “cuộc chiến” chống dịch tả heo Châu Phi” và luôn có chúng tôi, các ngành, các cấp luôn kề vai chia sẻ nhọc nhằn với bà con nông dân.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn