Người mang giống lúa tím sữa về vùng biên giới
Cập nhật ngày: 28/03/2019 16:26:16
ĐTO - Những ngày này về ấp Hoàng Việt, xã Tân Phước (huyện Tân Hồng), bà con nông dân đang gấp rút chuẩn bị cho vụ mùa mới. Có dịp đến nơi này, hỏi tên ông Nguyễn Văn Hương - thành viên Nghĩa Nhân Hội quán hầu như ai cũng biết. Bởi ông Hương chính là người đầu tiên mang giống lúa tím sữa về trồng tại vùng biên giới Tân Hồng, ông Hương cũng chính là “cha đẻ” của sản phẩm Gạo Nghĩa Nhân.
Ông Nguyễn Văn Hương với sản phẩm Gạo Nghĩa Nhân
Tạo ra sản phẩm hữu cơ vì sức khỏe cộng đồng
Khi được hỏi về cơ duyên đến với giống lúa tím sữa, ông Nguyễn Văn Hương tâm sự: “Tôi cũng may mắn là trời phú cho sức khỏe tốt để theo nghề nông. Song, qua nhiều năm làm lúa theo phương thức cũ, tôi cảm thấy sức khỏe cũng bị ảnh hưởng, có thể là do tiếp xúc nhiều với thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học”.
Với suy nghĩ đổi mới này, ông Hương đã chọn sản xuất lúa gạo mà không sử dụng thuốc và các chất hóa học, trong đó ông chọn giống lúa tím sữa. Ông kể, để có thêm kiến thức, ông đã tự lên internet mày mò, nghiên cứu, tìm hiểu về đặc tính sinh trưởng của giống lúa này. “Tôi sản xuất lúa tím sữa theo hướng sạch với mục đích bảo vệ sức khỏe của mình và tạo ra nguồn sản phẩm an toàn đến với người tiêu dùng. Hơn nữa, việc trồng lúa hữu cơ còn giúp cải tạo đồng ruộng trở nên màu mỡ” - ông Hương tâm sự.
Thời gian đầu, khi mới bắt đầu canh tác, do thời tiết vùng biên giới Tân Hồng khá khắc nghiệt nên lúa ít trổ bông, năng suất kém. Không nản chí, ông Hương mày mò, nghiên cứu thêm và tự rút ra kinh nghiệm cho mình. Trong vụ thu đông 2018, để cải thiện và chủ động nguồn giống, ông Hương chọn những cây lúa to khỏe, đồng đều rồi nhân rộng diện tích trồng lên gần 4ha. Đến vụ đông xuân 2018 - 2019, nguồn giống đã được ông Hương thuần chủng tốt nên thích ứng với thổ nhưỡng, cây lúa phát triển mạnh, cho năng suất cao.
Để cây lúa phòng ngừa sâu bệnh, khác với giống lúa thường, lúa tím sữa không được sử dụng phân, thuốc hóa học mà phải sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học... Ngoài ra, phải áp dụng đúng các quy trình, kỹ thuật trồng, tuân thủ biện pháp canh tác.
Tuy nhiên, theo ông Hương, ban đầu, khi đem gạo tím sữa bán ra thị trường thì gặp không ít khó khăn vì ít người biết đến sản phẩm. Không những vậy, người tiêu dùng còn lo nghi ngờ lúa bị tẩm màu nên còn e ngại. Để tạo niềm tin cho khách hàng, những người đến mua gạo đều được ông Hương cho dùng thử. Đến khi khách hàng nhận thấy sản phẩm chất lượng, khen ngon rồi đặt hàng, giới thiệu bạn bè đến mua. Ông Hương còn chú trọng mang gạo đi kiểm tra chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng. Ngoài ra, ông cũng giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook... Nhờ cách làm này mà sản phẩm gạo tím sữa của ông tạo được uy tín, ngày càng được nhiều người biết đến.
Để tạo giá trị bền vững, ông Nguyễn Văn Hương quyết định đặt tên cho đứa con tinh thần của mình là “Gạo Nghĩa Nhân”. Gạo Nghĩa Nhân khi nấu có hương thơm dịu, mềm, ngọt, để nguội vẫn dẻo và lâu hư. Gạo có thể dùng nấu cơm, rang vàng xay làm trà hoặc xay thành bột làm sữa gạo. Đặc tính vượt trội của gạo này là có hàm lượng các vi chất dinh dưỡng cung cấp cho người bị bệnh tiểu đường, huyết áp...
Theo ông Hương: “Trồng lúa tím sữa theo hướng sạch tuy chi phí cao hơn so với cách làm lúa truyền thống nhưng giá lúa, gạo khi bán ra thị trường cao hơn gấp 2 lần lúa thường. Điều quan trọng hơn là sản phẩm đảm bảo sức khỏe cộng đồng” - ông Hương chia sẻ.
Hướng đi mới ổn định
Trong quá trình sản xuất lúa tím sữa theo hướng sạch, ông Nguyễn Văn Hương nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng. Điều này tiếp thêm động lực giúp ông kiên trì theo đuổi mô hình còn khá mới mẻ này. Trong quá trình thực hiện, ông cũng hướng dẫn nhiều nông dân sinh hoạt tại Nghĩa Nhân Hội quán cùng tham gia mô hình. Đến nay đã có 6 nông dân làm theo mô hình trồng lúa tím sữa theo hướng hữu cơ, với diện tích hơn 12ha...
Ngoài ra, ông Hương còn chủ động tìm kiếm, kêu gọi doanh nghiệp thu mua nhằm tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm. Trong vụ đông xuân 2018 - 2019, dù thị trường lúa gạo gặp khó khăn về giá và khâu tiêu thụ nhưng sản phẩm lúa tím sữa vẫn bán được giá thông qua việc ký hợp đồng với Công ty CP Nông trang Tràm Chim, thu mua 20 tấn.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tân Hồng, thời gian quan, nhằm hỗ trợ, khuyến khích các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, đơn vị đã tạo điều kiện, hỗ trợ bà con nông dân trong việc tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, để nắm rõ quy trình sản xuất lúa theo hướng sạch. Sau khi định hình được vùng lúa tím sữa theo hướng sạch, huyện đã tiếp tục quy hoạch vùng chuyên sản xuất và có định hướng nhân rộng.
Là người tham gia mô hình, ông Trần Văn Đoàn ngụ ấp Hoàng Việt, xã Tân Phước, huyện Tân Hồng vui vẻ cho biết: “Vụ đông xuân năm nay, gia đình tôi trồng hơn 1ha lúa tím sữa theo hướng hữu cơ. Đây là vụ thứ 2 tôi trồng mô hình lúa hữu cơ và cho hiệu quả cao. Mỗi vụ gia đình tôi thu hoạch trên 5 tấn và được doanh nghiệp thu mua lúa với giá 10.000 đồng/kg. Ngoài lợi ích kinh tế, mô hình sản xuất lúa tím sữa theo hướng hữu cơ đã tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng, đồng thời bảo vệ môi trường bền vững”.
Vụ đông xuân 2018 - 2019, mô hình trồng lúa tím sữa mang về thu nhập khá cho nông dân huyện Tân Hồng
Về định hướng thời gian tới, ông Nguyễn Văn Hương cho biết, ông cùng các thành viên khác sẽ hoàn thiện quy trình sản xuất. Đồng thời, nghiên cứu ra nhiều phương thức sản xuất mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương. Với mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm, Hội quán đã đăng ký và dự kiến trong tháng 9/2019, Cục Sở hữu trí Tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) sẽ chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Nghĩa Nhân”.
Theo ông Nguyễn Văn Tài - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Hồng: “Qua 2 vụ, ngành nông nghiệp huyện thấy đây là mô hình khá hiệu quả, bởi với mức đầu tư tương đương, lợi nhuận thu về tại mô hình cao hơn phương pháp canh tác truyền thống. Bên cạnh đó, cây lúa tím sữa có độ sinh trưởng và phát triển cân đối; khả năng chống chịu sâu bệnh cao, lại an toàn với người sử dụng. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất lúa theo hướng an toàn để giảm chi phí trung gian, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân. Ngành nông nghiệp huyện sẽ tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân sản xuất theo hướng an toàn, bền vững; đồng thời hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm Gạo Nghĩa Nhân thông qua các chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại...”.
Khánh Phan