Khai thác tài nguyên bản địa tạo ra các sản phẩm giá trị

Cập nhật ngày: 25/03/2019 16:57:43

ĐTO - Khéo léo trong việc khai thác tài nguyên bản địa, nhiều bạn trẻ Đồng Tháp đã tạo ra những sản phẩm giá trị, mang nét đặc trưng của vùng Đất Sen hồng gửi đến du khách gần xa...


Mỗi nén nhang là sự chăm chút, tỉ mỉ từ bàn tay của Ngọc Anh

Mang hương sen bay xa

Em Ngô Ngọc Anh (SN 1995, xã Mỹ Tân, TP.Cao Lãnh) - người sáng lập thương hiệu nhang sạch Liên Tâm chia sẻ: Là một người con Đồng Tháp nên bản thân có một tình yêu mãnh liệt với cây sen Đồng Tháp. Chính vì vậy, ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học, em đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về chuỗi giá trị từ sen để mong hiểu và tận dụng được hết những giá trị của loài hoa này.

Trong quá trình nghiên cứu, Ngọc Anh nhận thấy gương sen (sau khi tách hạt) là nguồn nguyên liệu sở hữu giá trị kinh tế cao, có thể nghiền ra làm bột nhang. Trong khi tại quê hương, nguồn nguyên liệu này chưa được tận dụng triệt để, sản lượng gương sen bỏ đi hàng chục tấn mỗi năm. Vậy là Ngọc Anh quyết định nghiên cứu, khởi nghiệp làm nhang sen, mang hương vị đặc trưng của Đồng Tháp.

Ý tưởng được hình thành từ năm 2016 nhưng mãi đến cuối năm 2017 nhang sen mới được hiện thực hóa. Ngọc Anh cho biết: “Khi sản phẩm đầu tiên ra đời mình vô cùng nâng niu, thế nhưng đó cũng là lúc mình trăn trở nhiều bởi nhang sen bị khô, nứt. Nguyên nhân là do bột sen không tẩm ướp hóa chất như các sản phẩm cùng loại trên thị trường và chưa tìm được nhiệt độ phơi nhang phù hợp”.

Trước thử thách đó, Ngọc Anh rủ thêm 2 người bạn có cùng ý tưởng nghiên cứu, hoàn chỉnh quy trình sản xuất để cho ra sản phẩm hoàn chỉnh vừa an toàn lại chất lượng, hướng đến đối tượng khách hàng là người có thu nhập tầm trung. Từ định hướng chinh phục người tiêu dùng bằng yếu tố an toàn nên thương hiệu nhang Liên Tâm có mặt hầu như khắp các tỉnh thành trong cả nước.

Ngoài nhang sen, Ngọc Anh và những người bạn của mình cũng đã cho ra đời 3 loại hương mới, đó là nhang hương tràm, hương quýt và hương bạch đàn. Ngọc Anh chia sẻ, do đang trong quá trình hình thành nên cơ sở cũng còn nhiều khó khăn về vốn, nhân sự, kỹ thuật. Tuy nhiên, với tâm huyết đặt ra, nhóm sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình, đưa sản phẩm phát triển mạnh hơn khi có điều kiện...


Diễm Trinh dùng nguồn nguyên liệu hoa hồng trồng dưới đất chỉ sử dụng phân sinh học

Trà hoa hồng - ước mong mang hương vị đặc trưng gửi đến du khách

Sinh ra và lớn lên tại TP.Sa Đéc - cái nôi của làng hoa trăm tuổi nên hương hoa đã thấm vào “máu thịt” của em Lương Thị Diễm Trinh (SN 1993, xã Tân Quy Tây, TP.Sa Đéc) từ những ngày thơ bé. Với mong muốn đóng góp một phần nâng giá trị ngành hoa kiểng, Diễm Trinh suy nghĩ đến khởi nghiệp làm trà hoa hồng - loài hoa mà Trinh yêu thích, gắn bó từ thuở nhỏ.

Diễm Trinh chia sẻ, ý tưởng làm trà hoa hồng được Trinh nhen nhóm từ những ngày ra trường và có sự trải nghiệm với cuộc sống. Khi còn làm việc tại TP.Hồ Chí Minh, Diễm Trinh cùng với một người bạn mở một quán nhỏ kinh doanh trà. Thời điểm đó, quán chỉ nhận trà qua trung gian nên không biết được nguồn gốc rõ ràng, giá cả lại mắc gấp nhiều lần so với trà thông thường. Đơn cử như trà hoa hồng Hungary khoảng gần 3 triệu đồng/kg. Từ đó, Trinh chợt nghĩ, TP.Sa Đéc là xứ sở của hoa hồng tại sao mình không tận dụng nguồn nguyên liệu này làm trà vừa tiết kiệm chi phí vừa tạo ra một loại trà đặc sản cho quê hương.

Nghĩ là làm, Diễm Trinh về quê hương Sa Đéc để khởi nghiệp với trà hoa hồng. Tuy nhiên, con đường khởi nghiệp không trải hoa hồng như cái tên của nó. Do chưa xây dựng được kế hoạch ổn định nên Diễm Trinh đã phải đối diện với thất bại ngay lần đầu tiên trên bước đường khởi nghiệp.

Không nản chí, Diễm Trinh tiếp tục kiên trì lên mạng, tìm sách nghiên cứu về cách làm trà hoa hồng. Trong thời gian đó, trà hoa đậu biếc đang rộ lên thành phong trào vì vậy cùng với trà hoa hồng, Trinh còn tận dụng diện tích vườn nhà trồng thêm hoa đậu biếc để làm trà.

Nhằm tăng năng suất trong sản xuất, từ nền tảng máy sấy hoa trên thị trường, Trinh tự thiết kế máy sấy cho hoa hồng, hoa đậu biếc nhằm giảm chi phí sản xuất và tăng sản lượng sấy. Năm 2017, sau bao công sức bỏ ra, Trinh đã thu về được kết quả xứng đáng với những cánh hoa sấy giữ được màu đẹp, vị ngon.Với những đánh giá khả quan từ người thân, bạn bè dùng thử, Trinh càng có động lực tiếp tục làm trà.

Để có nguồn nguyên liệu ổn định và đảm bảo sạch, không phân thuốc, Diễm Trinh tiến đến liên kết với nhà vườn trồng hoa hồng dưới đất chỉ sử dụng phân sinh học với diện tích 2.000m2 tại Sa Đéc để mua nguyên liệu. Mỗi sáng, Trinh cùng gia đình tranh thủ đi hái hoa về làm trà. Theo Diễm Trinh, hoa thường hái vào buổi sáng sẽ lưu giữ chất dinh dưỡng cao và có màu đẹp hơn hái vào buổi chiều. Để có được 1kg trà hoa thành phẩm phải mất đến 13kg hoa tươi. Bên cạnh đó, các cánh hoa phải qua 6 bước hái, lựa, rửa, để ráo, phơi, sấy đến thành phẩm mới ra được sản phẩm hoàn chỉnh.

Hiện sản phẩm trà hoa hồng, trà hoa đậu biếc của Trinh được khách hàng cả nước biết đến thông qua trang Fanpage trà hoa Sa Đéc, với sản lượng cung ứng từ 500 - 1.000 gói mỗi tháng. Diễm Trinh cho biết, trong dự định tương lai, Trinh sẽ tiếp tục phối hợp với nhà vườn trồng hoa hồng sinh học tại TP.Sa Đéc để lấy nguyên liệu, đồng thời kết hợp với việc giới thiệu sản phẩm gắn với mô hình du lịch sinh thái. Diễm Trinh chia sẻ: “Hiện sản phẩm trà hoa đang được khách hàng rất ưa chuộng nên tôi sẵn sàng liên kết bao tiêu hết sản phẩm được trồng theo hướng sạch và đảm bảo mức lợi nhuận thu được sẽ không thấp hơn cách trồng hoa thông thường”.

Bà Ngô Thúy Hiền - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.Sa Đéc đánh giá, đây là mô có ý tưởng hay, sáng tạo, biết khai thác những lợi thế từ làng hoa Sa Đéc để nâng cao giá trị kinh tế từ hoa. Đồng thời, qua mô hình khởi nghiệp này cũng góp phần quảng bá hình ảnh hoa Sa Đéc đến với bạn bè và du khách gần xa.

Bên cạnh niềm đam mê khởi nghiệp làm trà hoa hồng, hoa đậu biếc, Diễm Trinh hiện là giáo viên phụ trách giảng dạy môn Sinh học và là Tổng phụ trách Đội tại Trường THCS Trần Thị Nhượng, TP.Sa Đéc. Việc đảm bảo giữa công việc ở trường và chu toàn việc làm trà hoa cũng là một thách thức đối với Trinh. Tuy nhiên, bằng sự yêu nghề cùng niềm đam mê tạo ra hương vị đặc trưng của quê hương, Diễm Trinh vẫn chu toàn việc nhà, việc trường.

Theo anh Nguyễn Văn Vũ Minh - Bí thư Tỉnh đoàn Đồng Tháp, sau 3 năm triển khai, tinh thần khởi nghiệp của các bạn trẻ phát triển mạnh mẽ. Nhiều dự án khởi nghiệp phát huy từ thế mạnh địa phương được thị trường đón nhận như gạo sạch Tâm Việt của Võ Văn Tiếng; sản phẩm tinh dầu của Đoàn Ngọc Minh Thùy; trà lá sen của Ngô Khánh Huy... Bên cạnh đó, hiện nay cũng xuất hiện nhiều mô hình khởi nghiệp mới, phát huy được giá trị tài nguyên bản địa của mỗi địa phương.

Việc đổi mới tư duy, phát huy tiềm năng giá trị địa phương của các bạn trẻ tỉnh nhà là điều rất đáng trân trọng. Để tiếp sức cho tinh thần này, thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các mô hình khởi nghiệp bằng những việc làm thiết thực như: hỗ trợ đào tạo, tư vấn, tập huấn... Mục tiêu hướng đến nhằm tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo để các bạn mạnh dạn khai thác tài nguyên bản địa, tạo ra những giá trị mới.

 MỸ NHÂN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn