Nhiều chính sách hỗ trợ ngành chăn nuôi và thú y trên địa bàn tỉnh phát triển tốt

Cập nhật ngày: 22/06/2012 14:15:35

Trong những năm qua, Trung ương và tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển ngành chăn nuôi và thú y đối với các loại gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, từ năm 2008 -2011, toàn tỉnh đã thực hiện tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm đạt tỷ lệ từ 78-82 %/tổng đàn, tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng (LMLM) đạt tỷ lệ từ 15-25%/tổng đàn; cấp phát thuốc tiêu độc, khử trùng mỗi năm từ 17.000 - 40.000 lít Benkocid, 400 - 900kg Formol. Riêng trong năm 2011, Trung ương cấp vắc xin LMLM 4.525 liều, vắc xin cúm gia cầm 5.100.000 liều.


Chợ mua bán gia cầm sống tại TP.Cao Lãnh được xây dựng
góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường

Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm tại các điểm nóng đã được khắc phục, phần lớn các hộ sản xuất, kinh doanh vi phạm đều có ý thức giữ vệ sinh môi trường bằng cách di chuyển địa điểm hoặc giảm quy mô đàn và áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi trước khi thải ra môi trường. Các hộ chăn nuôi gia súc tập trung đều áp dụng ít nhất một trong các biện pháp giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường như: sử dụng biogas, sử dụng chế phẩm sinh học, xử lý bằng hệ thống ao sinh học...

Nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên công tác phòng bệnh cho đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao. Số lượng gia cầm mắc bệnh và chết thấp, từ đó giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi. Công tác phòng bệnh LMLM cho đàn gia súc tại các xã biên giới đạt hiệu quả cao nhờ được hỗ trợ vắc xin miễn phí từ Chương trình quốc gia khống chế bệnh LMLM giai đoạn 2011-2015. Việc hỗ trợ của Nhà nước đối với các hộ chăn nuôi có gia súc, gia cầm bị tiêu hủy theo Quyết định 1422/QĐ-TTg đã góp phần giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi và tạo điều kiện cho người nuôi có cơ hội tái sản xuất sau dịch bệnh.

Hàng năm chương trình khuyến nông tỉnh hỗ trợ miễn phí tinh bò, nitơ và vật tư phục vụ công tác gieo tinh nhân tạo; đồng thời hỗ trợ kinh phí mua hóa chất để cấp phát miễn phí cho người dân thực hiện công tác tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi tập trung, khu vực chợ, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và tiêu độc, khử trùng chống dịch. Nhờ làm tốt công tác tiêu độc khử trùng nên tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trong thời gian gần đây được kiểm soát chặt chẽ, tạo điều kiện cho người dân yên tâm sản xuất.

Tuy nhiên, nguồn vắc xin cúm gia cầm được phân bổ còn hạn chế, tỉnh không chủ động được công tác tiêm phòng cho đàn gia cầm nên kết quả tiêm phòng chưa cao và có nguy cơ dịch bệnh tái phát. Về cơ chế tài chính, đối với đàn trâu, bò giống của nhà nước; đàn trâu, bò của các hộ gia đình, cá nhân trong vùng khống chế thuộc diện phải tiêm phòng bắt buộc, kinh phí mua vắc xin do ngân sách Trung ương đảm bảo 100%. Trên thực tế trong giai đoạn 2006 - 2011, lượng vắc xin LMLM phân bổ cho tỉnh được Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo thực hiện tiêm phòng ở 8 xã biên giới gồm: Tân Hộ Cơ, Thông Bình, Bình Phú (huyện Tân Hồng), Thường Phước 1, Thường Thới Hậu A, Thường Thới Hậu B (huyện Hồng Ngự) và Tân Hội, Bình Thạnh (thị xã Hồng Ngự), còn các xã khác trong cùng huyện biên giới không được hỗ trợ của Chương trình.

Ngoài ra, trong phần Phụ lục kinh phí kèm theo Quyết định 975/QĐ-BNN-TY ngày 16-5-2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT thì trong giai đoạn 2011 - 2015, hàng năm Bộ Nông nghiệp và PTNT dự trù số lượng vắc xin cấp cho tỉnh Đồng Tháp (chỉ cấp cho 2 huyện Tân Hồng và Hồng Ngự) khoảng 9.038 liều, tương đương 4.519 con trâu, bò; trong khi đó toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 281.554 con heo và 19.790 trâu, bò.

Vì vậy, trong thời gian qua và những năm tới, ngoài 2 huyện biên giới thì tất cả các huyện, thị, thành phố còn lại của tỉnh Đồng Tháp không được hỗ trợ vắc xin LMLM miễn phí từ Chương trình quốc gia để tiêm phòng cho đàn gia súc tại địa phương, dẫn đến công tác phòng bệnh cho đàn gia súc gặp nhiều khó khăn, do gia súc thường được chăn thả rông trên cùng cánh đồng từ xã này sang xã khác. Bên cạnh đó, mức hỗ trợ của Nhà nước đối với gia súc, gia cầm và thủy sản bị thiệt hại còn thấp so với giá cả thị trường. Vì vậy, người dân thường không muốn tiêu hủy mà thực hiện việc bán chạy gia súc, gia cầm mắc bệnh, làm dịch bệnh lây lan, rất khó kiểm soát.

Anh Quân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn