Hoạt động khuyến công tạo sức bật cho phát triển kinh tế - xã hội

Cập nhật ngày: 22/06/2012 08:42:56

Sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 136/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động khuyến công, tuy còn gặp không ít khó khăn nhưng công tác khuyến công của tỉnh cơ bản đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần vào sự phát triển kinh tế địa phương, với tốc độ tăng trưởng bình quân của công nghiệp nông thôn đạt 31,67%/ năm. Công tác khuyến công cũng tạo điều kiện cho số lao động làm việc tại các cơ sở công nghiệp nông thôn tăng bình quân 11%/năm, giải quyết được việc làm cho lao động nông thôn, giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống...


Trong thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC&TVP TCN) tỉnh đã tổ chức được 120 lớp dạy nghề nông thôn cho 4.328 lao động, chủ yếu là đan bội, đan ghế nhựa, đan giỏ nhựa, đan lục bình, dệt chiếu, bó chổi... giải quyết cho 2.835 lao động có việc làm ổn định. Nhìn chung, công tác dạy nghề và tổ chức sau dạy nghề đạt hiệu quả do có sự gắn kết với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng tiểu thủ công nghiệp (TTCN), việc đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu thị trường nên đa số các học viên sau khi hoàn thành khóa học đều có việc làm.

Đối với công tác phát triển làng nghề TTCN, TTKC&TVPTCN đã có nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ cho các làng nghề tiếp tục duy trì và phát triển. Qua đó, tiếp xúc, tìm hiểu và tháo gỡ khó khăn cho một số làng nghề, đẩy mạnh khuyến khích và tăng cường kinh tế hợp tác trong các làng nghề. Thời gian qua, TTKC&TVPTCN đã tổ chức cho các Phòng Kinh tế, Kinh tế - Hạ tầng các huyện, thị, thành phố, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề tham quan, khảo sát học tập kinh nghiệm tại các tỉnh bạn, nhằm giúp cho các đơn vị học tập về tổ chức quản lý sản xuất, giao lưu tìm kiếm đối tác liên kết và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, còn tổ chức cho hội viên Hội Cơ khí tham quan các kỳ hội chợ - triển lãm quốc tế về máy móc, thiết bị công nghiệp, máy móc gia công cơ khí chính xác, nhằm giúp các cơ sở sản xuất cơ khí tiếp cận với các thiết bị và công nghệ hiện đại phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu. Đồng thời, TTKC&TVPTCN đã quan tâm đẩy mạnh công tác tổ chức các hội thảo để phản ánh trình trạng thực tế của những làng nghề, qua đó giới thiệu những công nghệ mới trong sản xuất, góp phần nâng cao nhận thức và áp dụng được các qui trình sản xuất hiện đại để tiết kiệm năng lượng, hạ giá thành sản xuất, tạo tính cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Chương trình xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học - kỹ thuật đã được TTKC& TVPTCN tỉnh đã thực hiện với 4 đề án, tập trung vào đầu tư mua sắm thiết bị, máy móc thay thế lao động thủ công, xây dựng nhà xưởng, cơ sở hạ tầng phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất tại các cơ sở. Nhằm tạo chất xúc tác để các làng nghề, cơ sở sản xuất mang tính bền vững, TTKC&TVPTCN đã đẩy mạnh công tác hỗ trợ mua sắm thiết bị, máy móc phục vụ cho sản xuất và phát triển ngành nghề TTCN. Trước nhu cầu thực tiễn và đề nghị của các cơ sở, làng nghề TTCN, Trung tâm đã xem xét, phê duyệt các dự án và hỗ trợ kinh phí mua máy móc, thiết bị và công nghệ cho 28 cơ sở gồm: máy chẻ nan, máy dệt chiếu, dây chuyền sản xuất bột, sản xuất hủ tíu và sản xuất TTCN khác... Việc hỗ trợ thiết bị, máy móc giúp cho các cơ sở sản xuất, người dân tại các làng nghề phấn khởi hơn do giảm bớt lao động thủ công nặng nhọc, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp họ có niềm tin vững chắc với nghề.


Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục kế thừa những kết quả đạt được, đồng thời tập trung đầu tư một số dự án có lợi thế cạnh tranh, tạo bước chuyển biến rõ rệt cho sự phát triển của ngành; khuyến khích và hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời khai thác nguồn nguyên liệu và lao động tại chỗ, trong đó ưu tiên cho các sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định đảm bảo môi trường...

TTKC&TVPTCN tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện việc nâng cao chất lượng, hạ giá thành và đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp nông thôn có lợi thế sử dụng nguyên liệu tại chỗ, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động để giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo...

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn