Quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ những tháng cuối năm

Cập nhật ngày: 02/10/2024 19:53:25

ĐTO - Chiều ngày 2/10, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Trí Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện chủ trì phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 9 năm 2024 với Chủ đề “Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 9, phương hướng, nhiệm vụ tháng 10 năm 2024”.

Tại cuộc họp, Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo kết quả thực hiện nội dung cam kết hành động với Chủ tịch UBND tỉnh của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong 9 tháng đầu năm và tình hình tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư công, đầu tư tư nhân, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm 2024 có 447/491 nội dung cam kết đang tiếp tục tổ chức thực hiện, chiếm 91,04%; có 44/491 nội dung cam kết đã hoàn thành, chiếm 8,96%.

Đến ngày 24/9/2024, giải ngân vốn đầu tư công là 3.750,9 tỷ đồng/6.929,5 tỷ đồng, đạt 54,13%, cao hơn 3,59% so với báo cáo giải ngân tháng 8 và đạt 55,01% so với Thủ tướng Chính phủ giao. Từ đầu năm đến nay, tỉnh thu hút được 6 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 5.443 tỷ đồng (dưới hình thức chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư). Trong đó, có 1 dự án FDI với vốn đăng ký 78,68 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2024 có 473 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 3.550,08 tỷ đồng, đạt gần 73% kế hoạch.


Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa phát biểu tại phiên họp

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản theo giá so sánh năm 2010 đạt 39.624 tỷ đồng, tương ứng giá trị tăng thêm đạt 17.143 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch 9 tháng và bằng 77,4% kế hoạch năm. Đối với tình hình lũ, dự báo đỉnh lũ thời gian sắp tới, nhìn chung đỉnh lũ năm 2024 nhận định ở mức cao hơn năm 2023 khoảng 0,1 - 0,4m (khu vực đầu nguồn cao hơn khoảng 0,4m; khu vực nội Đồng Tháp mười cao hơn khoảng 0,3m; khu vực phía nam cao hơn khoảng 0,1m). Trước thực tế đó, đơn vị phối hợp với các địa phương kiểm tra, khảo sát thực tế các khu vực xung yếu ở một số địa phương. Qua kiểm tra, hầu hết các tuyến bờ bao trên địa bàn tỉnh an toàn, khả năng đảm bảo kiểm soát lũ. Các đoạn trũng, thấp nước tràn cục bộ được các địa phương chủ động gia cố khắc phục nên chưa xảy ra thiệt hại về sản xuất và tài sản do ảnh hưởng lũ.

Đối với 3 lĩnh vực chính của ngành công thương gồm sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thương mại nội địa duy trì đà tăng trưởng, cho thấy kết quả rất khả quan đóng góp tích cực vào kết quả tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng ước đạt 57.000 tỷ đồng, tăng 10,65% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 74,28% kế hoạch. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 104.743 tỷ đồng, tăng 11,68% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 71,75% kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá ước đạt 1.404 triệu USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 100,01% kế hoạch.

Theo đó, tại cuộc họp đại diện các sở ngành tỉnh cũng dành nhiều thời gian tập trung thảo luận, chia sẻ nhiều nội dung về tình hình thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội; tình hình chuyển đổi số; thực hiện Chương trình, Đề án, nhiệm vụ trọng tâm ngành văn hóa thể thao và du lịch; công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; nguồn cát phục vụ các công trình trọng điểm…

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa đánh giá cao sự nỗ lực của các sở, ngành trong thực hiện nhiệm vụ, đưa kinh tế - xã hội tỉnh nhà 9 tháng đầu năm tiếp tục có chuyển biên tích cực, khởi sắc trên hầu hết lĩnh vực. Đáng chú ý là tín hiệu khả quan đến từ sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu tác động tích cực đến tình hình sản xuất, kinh doanh của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh nhưng kết quả đạt được vẫn còn nhưng tồn tại, hạn chế.

Với quyết tâm cao trong thực hiện các chỉ tiêu đề ra trong năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa đề nghị các sở, ngành tỉnh rà soát lại nhiệm vụ được giao. Đối với chỉ tiêu chưa đạt cần tập trung đánh giá những nguyên nhân để đề ra kế hoạch thực hiện trong tháng 10 và những tháng cuối năm. Trong thời gian tới, các sở ngành tỉnh cần tập trung phát triển khu vực nông - lâm - thủy sản; tháo gỡ khó khăn về nguồn cát, các dự án đầu tư công, đầu tư tư nhân tạo động lực quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà...

Đồng thời chú trọng thực hiện tốt các sự kiện, lễ hội lớn của tỉnh như: Giải Marathon Đất Sen hồng - Đồng Tháp năm 2024, Diễn đàn Khởi nghiệp đồng bằng sông Cửu Long - lần II năm 2024… theo chiều sâu, đổi mới, hiệu quả. Qua đó góp phần xây dựng và quảng bá hình ảnh địa phương, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà…

 Y DU

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn