Ra mắt nhóm chuyên gia nghiên cứu về Đồng bằng sông Cửu Long

Cập nhật ngày: 26/10/2017 06:00:24

ĐTO - Trong khuôn khổ chương trình Mekong Connect 2017, chiều 25/10 tại Bến Tre, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), phối hợp với 4 tỉnh ABCD (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp) tổ chức buổi ra mắt “Nhóm chuyên gia nghiên cứu về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”. Đại diện tỉnh Đồng Tháp đến dự diễn đàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Châu Hồng Phúc.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Châu Hồng Phúc tham quan gian hàng của tỉnh tại
diễn đàn Mekong Connect 2017

Tại buổi lễ, các chuyên gia trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về liên kết vùng trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Cụ thể là vấn đề “nước, cát và phù sa, những thách thức của ĐBSCL”; toàn cầu hoá, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và ĐBSCL; những trải nghiệm thực hiện nông nghiệp thông minh ở ĐBSCL; cơ hội của ngành nông nghiệp Việt Nam; các câu chuyện của bạn trẻ khởi nghiệp.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - Trường Chính sách công và quản lý Fullbright, Trưởng nhóm chuyên gia nghiên cứu về ĐBSCL cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc các tỉnh tự bắt tay nhau cùng liên kết phát triển nhằm phát huy những tiềm năng thế mạnh của mình là vô cùng cần thiết; hiện ĐBSCL có khá nhiều tiềm năng để phát triển, tuy nhiên khu vực này vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế về cơ sơ hạ tầng, nguồn nhân lực, địa hình bị chia cắt... Do vậy, để liên kết vùng đạt hiệu quả, các địa phương cần thực hiện các liên kết tiểu vùng, liên kết nhóm nhằm tạo sự đồng nhất và tính cộng hưởng giữa các địa phương. Đồng thời, các tỉnh cần hướng tới một tầm nhìn, cùng một mục tiêu, tin cậy lẫn nhau và có tương tác thường xuyên.

Chia sẻ về nội liên quan đến việc quản lý và sử dụng tài nguyên nước, cát và phù sa của ĐBSCL trong giai đoạn hiện nay, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện -  chuyên gia nghiên cứu độc lập về biến đổi khí hậu và sông Mê Kông nhận định, nước, cát và phù sa, những thách thức của ĐBSCL là một trong ba đồng bằng trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Nghiêm trọng hơn là vấn đề sạt lở bờ sông, bờ biển do khai thác cát sông, sụt lún đất do con người khai thác nước ngọt để phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Do đó, để ứng phó với thiên tai, chính quyền và người dân cần bảo vệ nguồn tài nguyên cát sông, xử lý nghiêm khắc với hành vi khai thác trái phép cát sông và khai thác nước ngầm. Song song đó, chuyển đổi sang canh tác nông nghiệp công nghệ cao để giảm việc sử dụng nước ngọt, bớt sử dụng dinh dưỡng phù sa là những vấn đề cần thiết hiện nay.


Ra mắt nhóm chuyên gia nghiên cứu về Đồng bằng sông Cửu Long

Nhận định về sự cần thiết của việc thành lậpNhóm chuyên gia nghiên cứu về ĐBSCL”, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng: “Nhóm chuyên gia này tập trung đội ngũ những nhà khoa học hàng đầu thuộc nhiều lĩnh vực. Đây là các chuyên gia có nhiều nghiên cứu thực tiễn và hiểu biết sâu sắc về ĐBSCL, hiểu rõ về những tiềm năng và các khó khăn mà vùng đang phải đối mặt. Thông qua việc thành lập nhóm chuyên gia nghiên cứu về ĐBSCL, ban tổ chức hy vọng nhóm nghiên cứu sẽ giúp cho các tỉnh ABCD khai thác hiệu quả những tiềm năng thế mạnh của các tỉnh, cũng như phát huy được sức mạnh của vùng khi liên kết”.

Diễn đàn Mekong Connect 2017 sẽ diễn ra chính thức vào ngày 26/10/2017 tại Bến Tre, với chủ đề “Phát huy tài nguyên bản địa kết hợp sức mạnh công nghệ”.

Diễn đàn thu hút hơn 500 doanh nhân cùng hơn 100 chuyên gia trong và ngoài nước tham gia. Tại diễn đàn, lần đầu tiên, các nghiên cứu về tài nguyên bản địa sẽ được đưa ra cùng những giải pháp có thể ứng dụng ngay cho vùng ĐBSCL nói chung và các doanh nghiệp tại vùng đất này nói riêng.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn