Sản xuất rau an toàn chưa đáp ứng được kỳ vọng của người nông dân

Cập nhật ngày: 25/07/2012 07:50:24

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất rau an toàn với mục đích đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và người sản xuất. Qua thời gian triển khai, mặc dù đã đem lại hiệu quả nhất định nhưng mô hình chưa thật sự hấp dẫn đối với người sản xuất khi giá cả, năng suất rau an toàn bằng hoặc có lúc thấp hơn so với rau thường...


Chăm sóc hoa màu

Hiện nay tại các chợ, các loại rau củ không ít, tuy nhiên đâu là mặt hàng rau an toàn thì vẫn chưa thấy, trong khi nông sản an toàn đã được trồng nhiều ở các địa phương.

Quy trình sản xuất rau an toàn rất công phu, cần phải thăm đồng thường xuyên, hạn chế sử dụng thuốc thuốc bảo vệ thực vật có độ độc cao, khi đến thời gian gần thu hoạch cần cách ly để tránh tình trạng dư lượng thuốc trừ sâu vượt mức cho phép nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Ông Huỳnh Thanh Sơn - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Cao Lãnh cho biết: “So sánh giữa cách trồng rau an toàn và rau bình thường thì năng suất đều bằng nhau, chất lượng sản phẩm không chênh lệch nhiều. Song việc làm theo quy trình rất mất thời gian, tuy nhiên nếu làm đúng theo quy trình người dân có thể hạ giá thành sản xuất”.

Theo quy trình trên, đáng lẽ giá cả của nông sản an toàn phải được nâng lên, tuy nhiên hai loại rau an toàn và rau sản xuất theo kiểu truyền thống vẫn ngang bằng nhau. “Chúng tôi cũng ý thức rằng việc rồng rau an toàn là nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và người trồng, nhưng không có một chứng nhận nào gọi là an toàn để người tiêu dùng biết lựa chọn, dẫn đến giá cả hai loại nông sản này hầu như bằng nhau”, ông Huỳnh Văn Dũng - xã Phú Thuận cho hay.

Thực trạng trên khiến người sản xuất theo mô hình rau an toàn đã không còn mặn mà, họ đã chuyển sang trồng theo tập quán cũ. Ông Nguyễn Hữu Hạnh - Chủ tịch UBND xã Long Thuận cho biết, hiện tại nông dân sản xuất theo quy trình rau an toàn chỉ chiếm khoảng 60%. Ông Bùi Văn Sĩ (xã Long Thuận) có đất nằm trong vùng sản xuất rau an toàn nhưng lại sản xuất theo kiểu truyền thống, ông chia sẻ: “Tôi vẫn chưa trồng rau theo quy trình an toàn nhưng nếu Nhà nước hỗ trợ đầu ra tốt và giá cả cao hơn so với trồng rau bình thường thì hầu hết ai cũng tán đồng với việc sản xuất theo mô hình”. Cùng chung suy nghĩ trên, ông Bùi Văn Mỹ là hộ trồng rau an toàn cũng trăn trở: “Chúng tôi đang trồng rau theo hướng an toàn với những tiêu chí khắc khe và đòi hỏi tốn kém nhiều thời gian nhưng giá cả giữa rau an toàn và rau bình thường vẫn bằng nhau. Tôi nghĩ đây là một trong những rào cản lớn để người dân tham gia vào mô hình trồng rau an toàn”.

Trong thời gian qua, để tạo điều kiện cho mô hình này ngày càng phát triển, tỉnh đã triển khai hỗ trợ dàn phun tưới, kỹ thuật... tạo điều kiện cho người dân thực hiện mô hình đạt hiệu quả. Đối với huyện Hồng Ngự, nơi có diện tích trồng hoa màu khá lớn, tỉnh đã triển khai hỗ trợ cho người dân 8 dàn phun tưới tự động. Đồng thời, tỉnh đã đầu tư nhà máy sơ chế nông sản và huyện đang triển khai thực hiện để từng bước đồng bộ các khâu sản xuất. Song song đó, huyện cũng đang chuẩn bị hoàn thành đề án về vùng rau an toàn, trong đó sẽ từng bước hoàn thành hệ thống điện, máy phun tưới, xây dựng nhà sơ chế để vùng rau của huyện phát triển nhiều hơn.

Những điều trên đối với người nông dân chỉ là điều kiện cần, song điều kiện đủ của họ là đầu ra của sản phẩm phải được đảm bảo. Theo ông Bùi Văn Mỹ, hiện nay ngoài việc đẩy mạnh xây dựng đồng bộ các cơ sở hạ tầng về tưới tiêu, cần quan tâm nhiều hơn đến khâu tiêu thụ, nhất là việc chứng nhận hàng hóa là sản phẩm an toàn để rau an toàn không bị đồng hóa giữa các thực phẩm cùng loại, từ đó dễ mở rộng thị trường, sẽ kích thích người dân mặn mà với mô hình nhiều hơn.

Ông Nguyễn Văn Mẫn nhận định: “Để rau an toàn tiêu thụ mạnh, không những hệ thống siêu thị tập kết và cung cấp cho người tiêu dùng thì tại các chợ truyền thống cũng nên có những quầy bán rau an toàn, có chỉ dẫn rõ xuất xứ nguồn gốc của sản phẩm, qua đây người tiêu dùng mới yên tâm lựa chọn loại rau này vào khẩu phần ăn của gia đình”.

Những trăn trở của người dân không phải là vô lý, nhưng để đi đến với yêu cầu thiết thực là cả một hành trình, trong đó cần có sự hợp tác từ nhiều phía...

Khánh Duy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn