Sổ tay kinh tế:
Cho nông dân vay vốn tạm trữ lúa, gạo

Cập nhật ngày: 01/10/2012 11:04:40

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa công bố dự thảo tờ trình “Về Quy chế tạm trữ lúa, gạo hỗ trợ trực tiếp cho nông dân”. Theo nội dung dự thảo, nông dân sẽ được Nhà nước hỗ trợ lãi suất 100% vốn vay ngân hàng (lãi suất 0%) trong 3 tháng để tự tạm trữ lúa, gạo của mình. Như vậy, theo đề xuất này, thay vì cho doanh nghiệp vay vốn thu mua tạm trữ như lâu nay, nguồn vốn sẽ được chuyển sang cho nông dân vay. Sự thay đổi này xuất phát từ những hạn chế của phương thức cho doanh nghiệp vay vốn mua tạm trữ lúa, gạo trong thời gian qua: Thời gian mua tạm trữ ngắn; doanh nghiệp chủ yếu mua thông qua thương lái; nhiều nông dân bán lúa cho thương lái trước thời điểm các doanh nghiệp triển khai mua tạm trữ...

Với phương thức mới, theo đề xuất nông dân sẽ tạm trữ lúa tại nhà, cơ sở sản xuất, kho của doanh nghiệp... Mức tạm trữ đối với hộ nông dân (hoặc các hộ liên kết lại) phải có khối lượng tối thiểu 10 tấn/1 điểm chứa. Tuy chưa có đúc kết ý kiến của các chuyên gia, của nông dân đối với phương thức tạm trữ mới này (dự thảo), song có thể thấy những hạn chế của phương thức cho doanh nghiệp vay vốn mua tạm trữ sẽ được khắc phục. Tuy nhiên, phương thức mới sẽ vận hành như thế nào sau khi được quyết định chính thức? Sẽ có hàng loạt vấn đề phát sinh cần phải giải quyết. Chẳng hạn như: ở vùng ĐBSCL lâu nay hầu hết nông dân đều không có kho chứa; với sản lượng lúa hàng hóa lên đến 7 - 8 triệu tấn (vụ đông xuân), nếu số lượng nông dân đăng ký tạm trữ nhiều thì giải quyết kho chứa là vấn đề nan giải; giám sát việc tạm trữ của nông dân thực hiện như thế nào (rất nhiều so với con số vài chục doanh nghiệp tham gia mua tạm trữ như trước đây)?...

Có thể thấy, chủ trương hỗ trợ trực tiếp cho nông dân tạm trữ lúa, gạo như dự thảo đề ra sẽ triển khai thuận lợi hơn nếu nông dân tham gia vào hợp tác xã (HTX). Tuy nhiên, ở vùng ĐBSCL hiện nay, số lượng HTX nông nghiệp còn rất khiêm tốn và số HTX nông nghiệp làm ăn hiệu quả cao càng ít ỏi. Vì vậy, làm thế nào nâng chất HTX để hình thức làm ăn tập thể này đủ hấp lực thu hút nông dân tham gia là vấn đề cần thiết (không chỉ đối với việc vận hành phương thức mới trong tạm trữ lúa, gạo - theo dự thảo). Còn với thực tế tình hình sản xuất lúa của nông dân vùng ĐBSCL hiện nay, để “Quy chế tạm trữ lúa, gạo hỗ trợ trực tiếp cho nông dân” (dự thảo) có thể vận hành hiệu quả, cần phải nghiên cứu để đưa ra cơ chế tổ chức thực hiện sát hợp tình hình...

Lê Như Giang

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn